QH thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương: Không “giăng thêm lưới” quản lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quản lý chồng quản lý?

Ngay khi bắt đầu Phiên thảo luận, qua nghiên cứu dự thảo Luật, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn chỉ rõ, việc quá đề cao quản lý nhà nước là đi ngược lại với thông điệp và quan điểm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, chuyển từ quản lý là chủ đạo sang xây dựng một Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp là chủ yếu. Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), dự án Luật đang ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết và không hiệu quả. Cách thức này vô hình trung đã khoác thêm nhiều tròng quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương. Thực tế cho thấy, có những vấn đề liên quan đến quản lý ngoại thương đã được quy định ổn định trong các văn bản khác, nay lại được thiết kế thêm trong dự án Luật, khiến hệ thống pháp luật vừa cồng kềnh thêm quy định, vừa giăng thêm lưới quản lý. Các Bộ khác đã quản rồi, nay Bộ Công thương lại quản thêm, như vậy là “quản chồng lên quản”, ĐB Vũ Tiến Lộc chỉ rõ. Một trong những ví dụ tiêu biểu đó là quy định về hàng tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, lâu nay vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về hải quan và đang được cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả, nay lại quy định vào dự án Luật Quản lý ngoại thương, làm phát sinh thêm giấy phép mới – giấy phép tạm nhập – tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công thương cấp (?). Còn theo thống kê của ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) sẽ có trên 10 loại giấy phép được đẻ ra từ dự thảo Luật. Nếu được thông qua, đồng nghĩa, Luật này sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.

Mục tiêu của việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương là gì? Đó là phải khắc phục được tình trạng các biện pháp quản lý ngoại thương đang được quy định tại nhiều văn bản bởi nhiều cơ quan, khiến cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thống nhất, không minh bạch và gây cản trở cho doanh nghiệp. Song với thiết kế như dự thảo Luật, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, dường như mục tiêu này chưa đạt được. Đơn cử, liên quan đến quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu, vấn đề nóng bỏng mà các doanh nghiệp đang phải đối diện trong thực tiễn hoạt động xuất – nhập khẩu là kiểm tra chuyên ngành. Hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đang chiếm tới 1/3 tổng lượng hàng hóa và thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 70% thời gian thông quan. Hải quan có cải cách bao nhiêu cũng chưa đủ, vì rằng phần lớn các vướng mắc nằm ở khâu kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, kiểm tra chuyên ngành lại thuộc thẩm quyền của rất nhiều bộ (hiện nay có tới 12 bộ có quyền kiểm tra chuyên ngành). Và hiện cũng chưa có quy định thống nhất về việc kiểm tra chuyên ngành phải hoạt động ra sao, theo nguyên tắc gì, hay phải phối hợp, liên kết như thế nào. Dường như, mỗi bộ đều đang tự quy định danh mục hàng hóa và quy trình kiểm tra chuyên ngành. Đây là bất cập lớn mà lẽ ra trong dự án Luật Quản lý ngoại thương lần này phải đạt được các mục tiêu cốt lõi, chi tiết làm khuôn khổ để thống nhất hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ; làm công cụ tổng lực để giải quyết rốt ráo và có hệ thống vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang rất nan giải.

Hạn chế tối đa quy định chung chung

Dự luật đang còn khá nhiều quy định chung chung và trao quyền ưu tiên cho pháp luật chuyên ngành cũng như các bộ chuyên ngành. Cách thiết kế như vậy, theo nhiều ĐBQH, đã và đang làm cho dự luật mang đậm hình hài của luật khung, luật ống. Và việc có quá nhiều quy định mang tính nguyên tắc, theo nhẩm tính của ĐB Hoàng Văn Thắng (Hà Nội) là khoảng 24 nội dung sẽ được giao Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền cụ thể hóa bằng văn bản dưới luật, sẽ làm cho dự luật khó khả thi trong thực tiễn triển khai. Thậm chí, như phân tích của ĐB Nguyễn Vân Chi (Nghệ An), với quá nhiều quy định chung chung, chưa có cơ chế áp dụng ngay trong thực tế, chủ yếu do Bộ Công thương hoặc Chính phủ quyết định, có nghĩa việc thực thi luật này sẽ phụ thuộc vào văn bản dưới luật (?). Điều này dễ tạo ra tâm lý e ngại về việc có hay không sự tập trung quá nhiều quyền lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về ngoại thương, trong đó có Bộ Công thương?

Giải trình, làm rõ những băn khoăn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, khẳng định nguyên tắc quản lý ngoại thương phải rõ ràng, rành mạch theo hướng, một việc do một cơ quan đầu mối thực hiện và chịu trách nhiệm trong xây dựng cũng như thực thi pháp luật. Song, đúng như nhận định của các ĐBQH, đó là với một đạo luật rất quan trọng về hoạt động quản lý ngoại thương thì cần tiếp tục làm rõ thêm các nguyên tắc cũng như nội dung cụ thể để quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan đầu mối, kể cả đó là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính. “Chúng tôi đồng tình và xin tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, có phân tích làm rõ, cố gắng đúng theo tinh thần chỉ đạo của QH, là phải xây dựng các luật có giá trị thực tiễn và tính ứng dụng cao, chứ không phải đợi văn bản dưới luật…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình): Tránh cát cứ và xé lẻ cơ chế quản lý

Mục tiêu của Luật này là để hệ thống hóa quản lý, không phải gia tăng thêm mức độ, tầng nấc quản lý đối với hoạt động ngoại thương. Ví dụ, quy định về đại lý mua bán hàng hóa quốc tế ủy thác và nhận ủy thác xuất nhập khẩu, gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, lâu nay vẫn thực hiện theo Luật Thương mại và không có vấn đề gì phát sinh – vậy cớ gì dự thảo Luật phải bổ sung cơ chế quản lý với nội dung này? Đối với hàng hóa đặc thù cũng vậy, pháp luật chuyên ngành đã có quy định (ví dụ, gia công thuốc, gia công nông hóa phẩm, thì pháp luật về y tế, về nông nghiệp đã quy định rất nhiều điều kiện rồi), vậy trong Luật về quản lý ngoại thương không cần quy định thêm nữa.

Hay có những vấn đề không chỉ liên quan tới ngoại thương mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, do vậy khi quy định vào Luật này lại thành xé lẻ cơ chế quản lý, làm giảm hiệu quả chung. Ví dụ quy định giải quyết tranh chấp về biện pháp quản lý ngoại thương, cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ là rất cần thiết, nhưng phải được quy định chung cho tất cả các tranh chấp thương mại, chứ không thể cát cứ như thể hiện trong dự Luật. Tranh chấp thương mại cấp Chính phủ có thể xảy ra với nhiều loại biện pháp mà Chính phủ thực hiện. Ví dụ thuế nội địa, phân biệt đối xử trong thương mại, biện pháp đầu tư, sở hữu trí tuệ. Nếu quy định như trong dự Luật thì cứ mỗi lĩnh vực lại phải quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng. Điều này rất không hợp lý.

Anh Thảo
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử