QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi): Không nên bó hẹp đối tượng thành lập nhà xuất bản và quyền tự chủ của doanh nghiệp xuất bản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

ĐBQH Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng): Trước khi xuất bản, phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông – quy định này có trở thành “giấy phép con” trong hoạt động xuất bản?

Khoản 1, Điều 22 về đăng ký xuất bản, dự thảo Luật quy định trước khi xuất bản, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông, và theo quy định đăng ký phải phù hợp với tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản. Quy định như vậy liệu có trở thành giấy phép con trong hoạt động xuất bản, gây tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình xin cấp giấy phép? Đề nghị nên bỏ quy định này mà cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chủ quản và quy định biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Một trong những vấn đề còn nhiều bức xúc trong lĩnh vực xuất bản hiện nay là trong liên kết xuất bản các nhà xuất bản chủ yếu đóng góp giấy phép với các xuất bản liên kết mà không nắm được nội dung chất lượng của các xuất bản phẩm này. Các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản cũng không nắm rõ nội dung các xuất bản phẩm đã đăng ký. Vì vậy, không cần thiết phải quy định đăng ký xuất bản như dự thảo Luật.

Điều 23 quy định về liên kết trong lĩnh vực xuất bản, không thể phủ nhận rằng từ vấn đề liên kết trong lĩnh vực xuất bản, đã làm cho thị trường xuất bản ngày một sôi động, chủng loại phong phú, hình thức đẹp, nhiều cuốn sách có giá trị đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của độc giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cũng từ liên kết trong lĩnh vực xuất bản đã làm cho thị trường sách trở nên vô cùng phức tạp, với những sách giả, in lậu bày bán công khai làm lũng đoạn thị trường gây không ít phiền toái cho độc giả. Vì thế, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về trách nhiệm của Tổng giám đốc Nhà xuất bản trong liên kết xuất bản cũng như phía đối tác liên kết; không nên chỉ quy định chung chung là chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động liên kết và xuất bản phẩm liên kết.

ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam): Đề nghị quản lý chặt cả 3 khâu: xuất bản, in và phát hành

Điều 6, quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, dự thảo Luật giao Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trong phạm vi cả nước. Tại Điều 7, dự thảo Luật quy định Nhà nước có chiến lược quy hoạch phát triển mạng lưới các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm hỗ trợ và có nhiều ưu đãi với lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm. Như vậy, Nhà nước chỉ quản lý chặt phần xuất bản, còn lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm lại buông lỏng?

Trong thời gian qua, sách lậu, sách giả bán tràn lan trên thị trường nếu có quản lý chặt cơ sở in, gồm cả nhà xuất bản và lĩnh vực phát hành thì rất khó chấm dứt được tình trạng trên mặc dù quản lý rất chặt chẽ nhà xuất bản. Hiện nay cả nước có trên 1.500 cơ sở in công nghiệp, trong đó chỉ có hơn 400 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và chịu sự chi phối điều chỉnh của Luật Xuất bản hiện nay. Còn lại khoảng 1.100 cơ sở chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là được hoạt động in các sản phẩm in khác không phải là xuất bản phẩm; các cơ sở này không chịu sự quản lý hoạt động của chuyên ngành in. Đây có thể là những đầu mối tiếp tay cho hoạt động in sách lậu tràn lan trong thời gian vừa qua và cơ quan quản lý không nắm được và không quản lý được. Do vậy, tôi đề nghị phải quản lý chặt cả 3 khâu: xuất bản, in và phát hành. Trong dự án Luật này mới chỉ đề cao phần quản lý của xuất bản và liên kết xuất bản.

Để kiểm soát chặt chẽ nội dung các xuất bản phẩm, tài liệu xuất bản, đề nghị đề cao trách nhiệm và quyền hạn của tổng giám đốc, giám đốc nhà xuất bản, tổng biên tập nhà xuất bản và đội ngũ biên tập viên. Đây là những đối tượng rất quan trọng kiểm soát trên mặt trận tư tưởng; đồng thời là những người chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm. Tôi đề nghị cần đề cao trách nhiệm và đồng thời tăng quyền hành cho họ. Đặt tiêu chuẩn của tổng giám đốc, giám đốc, tổng biên tập, ngoài những tiêu chí đã ghi trong dự thảo Luật tại Điều 17, cần bổ sung tiêu chuẩn và trình độ chính trị.

ĐBQH Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng): Dự thảo Luật đang bó hẹp các đối tượng thành lập nhà xuất bản, các loại hình tổ chức nhà xuất bản và quyền tự chủ của doanh nghiệp

Dự thảo mang tên Luật Xuất bản, song, ngoài điều chỉnh lĩnh vực xuất bản, Luật còn mở rộng phạm vi điều chỉnh ra hai lĩnh vực là in và phát hành. Đây là những lĩnh vực liên quan chặt chẽ để có quy trình hoàn chỉnh cho ra đời các xuất bản phẩm. Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo thì không xác định được mục tiêu của Luật: sẽ là điều chỉnh hoạt động xuất bản hay in và phát hành.

Các quy định về in và phát hành trong dự thảo Luật khá hoàn chỉnh, độc lập với hoạt động xuất bản. Ví dụ quy định thủ tục cấp phép in xuất bản phẩm, in xuất bản phẩm cho người nước ngoài, đăng ký cấp phép phát hành xuất bản phẩm… Như vậy, việc quy định về lĩnh vực in và phát hành trong dự thảo Luật không chỉ nhằm bổ sung cho các hoạt động xuất bản. Điều này đồng nghĩa, đối tượng điều chỉnh vượt quá tên gọi Luật Xuất bản. Ngược lại, nếu xác định in ấn và phát hành là hai đối tượng điều chỉnh độc lập thì phải quy định đầy đủ điều kiện, quy trình thẩm quyền thành lập cơ sở này cũng như quy định đầy đủ hơn các sản phẩm in và phát hành trong thực tế. Cụ thể, Luật Xuất bản chỉ điều chỉnh hoạt động in xuất bản phẩm, còn hoạt động in các sản phẩm khác do Nghị định 105/2007 của Chính phủ điều chỉnh với những chế tài xử lý khác nhau. Do đó, không tạo sự thống nhất về mặt quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Tương tự như vậy, đối với lĩnh vực phát hành, dự thảo Luật hiện vẫn chỉ giới hạn ở hoạt động phát hành xuất bản phẩm. Trong thực tế, ngoài phát hành xuất bản phẩm, còn một hoạt động nữa được gọi là phát hành, phát hành báo chí – đây thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng không được quy định trong dự thảo Luật này.

Tôi cho rằng, dự thảo Luật đang bó hẹp các đối tượng thành lập nhà xuất bản và các loại hình tổ chức nhà xuất bản cũng như bó hẹp quyền tự chủ của doanh nghiệp. Mặc dù dự thảo lần này đã có những chỉnh sửa mở rộng hơn, nhưng việc không cho phép tư nhân tham gia vào tổ chức xuất bản là bất hợp lý, đi ngược với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường và xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nếu chỉ cho phép những đối tượng như dự thảo Luật được thành lập nhà xuất bản tại Điều 11 và với chính sách ưu đãi như Điều 7 thì Nhà nước phải đầu tư một khoản ngân sách rất lớn cho sự nghiệp xuất bản, trong khi có thể huy động vốn xã hội bằng cách cho phép tư nhân đầu tư. Hơn nữa, xuất bản không phải lĩnh vực trọng yếu có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến đời sống của người dân, đòi hỏi phải có sự độc quyền can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nới lỏng các quy định khác liên quan đến tổ chức nhân sự và hoạt động của nhà xuất bản.

Nguyễn Vũ ghi
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân