Quản lý vàng: đâu như thế được
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Người giữ vàng đang chịu quá nhiều phiền lụy, từ giá cao bất thường so với giá thế giới, đến vàng nhái, cũng là vàng nhưng giá lại rẻ hơn…

Thế nhưng, lãnh đạo Ngân hàng (NH) Nhà nước lại nói như người ngoài cuộc, để mặc người giữ vàng và doanh nghiệp vật lộn với các rối rắm này. Nào là “Nhà nước không khuyến khích dân nắm giữ vàng nên không bình ổn giá vì nó không ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh”; rồi “người dân mua phải vàng giả thương hiệu hay không đủ tuổi thì phải chịu thiệt vì đã chấp nhận loại vàng đó”; rồi “trách nhiệm quản lý vàng giả, vàng nhái là của cơ quan quản lý thị trường”; “người dân giữ vàng không phải thương hiệu SJC không nhất thiết phải chuyển đổi, còn muốn chuyển đổi thì phải mất phí”…

Ai gây ra tình trạng rối rắm này? Từ bao năm qua chẳng ai lo chuyện vàng SJC nhái, vàng thương hiệu nào cũng là vàng. Thế nhưng, vàng nhái rộ lên, rồi vàng miếng các thương hiệu không phải SJC bị mất giá sau khi Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố độc quyền sản xuất vàng miếng SJC.

Những rối rắm này là do điều chỉnh các quy định về quản lý vàng theo hướng dễ kiểm soát hơn cho NH Nhà nước nhưng nơi này lại không đưa ra các biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

NH Nhà nước không thể từ chối trách nhiệm bình ổn thị trường vàng. Việc này đã được nêu trong nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Khi giao trách nhiệm này, Chính phủ cũng đã trao cho NH Nhà nước quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu; độc quyền sản xuất vàng miếng; thực hiện mua bán vàng miếng trên thị trường và huy động vàng theo quy định. Các quyền này, trên thực tế NH Nhà nước đã nắm trong tay, kể cả thương hiệu vàng miếng SJC. Nhưng nay thì NH Nhà nước lại nói rằng không bình ổn giá vàng…!?

Vậy mà, chưa dừng ở đó, NH Nhà nước còn làm mọi người ngỡ ngàng khi xem những gì liên quan đến vàng chẳng khác nào đi dịch vụ mátxa, uống rượu, hút thuốc, đi vũ trường, đánh golf… cần phải đánh thuế cao để hạn chế. Có thể, đó chỉ là mong muốn chủ quan của NH Nhà nước bởi vàng có chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không, thẩm quyền này thuộc Quốc hội, nhưng qua đó cho thấy nơi này đang quyết liệt với ý tưởng làm khó người giữ vàng để họ từ bỏ thói quen của mình.

Có thể hoạt động của giới đầu cơ vàng đã gây rối cho quản lý nhà nước nhưng với đại đa số người dân, vàng mà họ đang nắm giữ đó là mồ hôi, nước mắt, công sức lao động. Thay vì làm khó người giữ vàng, NH Nhà nước hãy xem lại vì sao những người nghèo, công nhân lao động lại vun vén, tích cóp đồng lương ít ỏi của mình để mua vàng cất giữ.

Nếu quản lý tốt, có chính sách hay, người dân sẽ chẳng buồn giữ vàng, họ sẽ giữ tiền, rồi bỏ tiền vào làm ăn. Thậm chí lúc đó NH Nhà nước có thể phát triển một thị trường vàng cao cấp hơn, chẳng hạn như vàng tài khoản, “vàng giấy” (người dân mua vàng nhưng không cầm miếng vàng, thay vào đó là giấy chứng nhận sở hữu vàng…).

Vàng là tài sản của người dân, vì thế, không thể vì lúng túng trong quản lý mà lại có những hành xử không phù hợp, bất chấp thiệt hại và phản ứng từ xã hội. Cần nhắc lại, vài năm trước NH Nhà nước cũng có ý tưởng người dân chỉ bán vàng cho NH Nhà nước và không được mua lại. Ý tưởng đó đã bị phá sản và nguyên tắc “người dân được sở hữu vàng” mặc nhiên phải tồn tại. NH Nhà nước có trách nhiệm với thị trường vàng và phải tìm ra giải pháp quản lý để mọi người chấp nhận được.

Cứ mãi loay hoay với cái kiểu quản lý áp đặt, làm khó, cấm cản thì NH Nhà nước đã đi quá xa khi hạn chế hoặc vô hiệu hóa một quyền hợp pháp của người dân, đó là được sở hữu vàng.

THANH TUYỀN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ  điện tử