Quảng cáo: Luật chung thua “luật” tỉnh?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại hội thảo, các vấn đề chính được doanh nghiệp bàn thảo là quy định chung của luật – quy định riêng của từng địa phương, vấn đề thiếu tiêu chí quy hoạch quảng cáo, vấn đề cấp phép hành doanh nghiệp và những chuyện tuy nhỏ nhưng rắc rối lớn.

Quy hoạch yếu, thiếu doanh nghiệp tham gia

Ông Kha Kim Hùng, Giám đốc Công ty Quảng cáo Khải Hoàn (Đà Nẵng), cho biết doanh nghiệp cần biết định hướng quy hoạch quảng cáo của Nhà nước để an tâm đầu tư xây dựng. Muốn ổn định, bền vững thì quy hoạch phải có tầm nhìn xa. Đà Nẵng vốn được đánh giá là làm quy hoạch quảng cáo khá tốt, nhất là quảng cáo dọc sông Hàn, đồng thời làm quy hoạch sớm hơn nhiều tỉnh, thành khác. “Thế mà so với hiện tại, khi đô thị ngày càng bung ra thì quy hoạch quảng cáo trông có vẻ lạc hậu. Độ cao có vẻ không ổn, khoảng cách các bảng san sát nhau trông cũng không ổn nữa. Do đó cũng cần xem lại quy hoạch. Mà muốn quy hoạch “sống” được lâu dài thì nên thuê những đơn vị lớn có tầm nhìn về quảng cáo để quy hoạch” – ông Hùng nói.

Ông Hoàng Tuấn Hưng, Giám đốc Công ty Quảng cáo và Trang trí nội ngoại thất Mặt Trời (Huế), cũng cho rằng luật giao cho địa phương làm quy hoạch quảng cáo mà không ràng buộc điều kiện gì cả. Lẽ ra, luật phải quy định khi địa phương quy hoạch thì phải phối hợp với doanh nghiệp trong địa phương để doanh nghiệp biết, doanh nghiệp góp ý nhằm tạo quy hoạch hợp lý hơn.

Cũng bàn về chuyện quy hoạch quảng cáo, ông Lê Quang Chừng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ACS Việt Nam (Hải Phòng), cho rằng dự thảo luật phải đưa ra các tiêu chí về quảng cáo sao cho phù hợp với quy hoạch đô thị. Đừng để mạnh ai nấy làm quảng cáo không theo chuẩn nào cả, nhìn bộ mặt đô thị cứ nhấp nha nhấp nhô. Nên bỏ quy định về bảng hiệu hoặc làm cho rõ định nghĩa bảng hiệu và bảng quảng cáo, đừng để hai nhà cạnh nhau mà bảng chỏi nhau, mất mỹ quan đô thị.

Dự thảo luật cần đưa ra các tiêu chí về quảng cáo sao cho phù hợp với quy hoạch đô thị. Ảnh: HTD

Đừng để địa phương vẽ râu vẽ ria

Ông Hà Văn Tăng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết hiện nay các địa phương có thể đẻ ra “luật” riêng của mình, đôi khi chèn ép doanh nghiệp, có thể là chỗ đẻ ra tệ nạn nhùng nhằng.

Ông Kha Kim Hùng cũng cho biết ông không mong Luật Quảng cáo quá chi tiết nhưng luật cũng đừng quá chung chung sẽ khiến tỉnh này áp dụng thế này, tỉnh kia áp dụng cách khác.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo Sáng tạo Việt – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Đà Nẵng, kể rằng ở Đà Nẵng có quy định bảng quảng cáo giăng ngang mặt tiền chỉ được cao 1 m. Thế nhưng có khi mặt tiền của doanh nghiệp tới 16 m mà đặt bảng cao có 1 m thì nhìn như sợi chỉ căng ngang. Quy định riêng như vậy không hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Dịch vụ Quảng cáo Kim Minh (TP.HCM), cũng góp ý đừng để địa phương muốn đặt quy định nào thì đặt hoặc muốn xử lý vi phạm thế nào thì xử lý. Bà cho biết hiện nay tại TP.HCM, khi doanh nghiệp vi phạm tại một panô quảng cáo thì bị phạt tiền và bị buộc khắc phục vi phạm. Thế nhưng trong thời gian doanh nghiệp chưa kịp khắc phục tại một địa điểm đó thôi thì Sở cũng sẽ “phạt kèm”, không nhận bất cứ hồ sơ xin phép nào của doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Ba, Giám đốc Công ty Quảng cáo Hatuba (Thanh Hóa), cho rằng dự thảo phải bổ sung quy định về xã hội hóa trong công tác quảng cáo. Bỏ ngỏ như hiện nay làm phát sinh tình trạng vị trí đẹp nhưng doanh nghiệp này xin quảng cáo thì không được, doanh nghiệp khác xin quảng cáo bằng cách tuyên truyền, cổ động cho một số chương trình xã hội thì lại cho!

Kết thúc hội thảo, bà Lê Thị Phương Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Văn phòng Quốc hội), cho biết: “Chúng ta còn một năm để góp ý cho luật này, đến tháng 6-2012 mới thông qua.Bản thân tôi sẽ ghi nhận các ý kiến hôm nay để gửi cho Quốc hội’.

Ông PHẠM PHÚ TÂM

Tôi đã nghe các doanh nghiệp tâm sự về thủ tục cho thấy các tỉnh, thành cũng có quy định “con” hợp lý nhưng có nhiều quy định “con” bất hợp lý, gây rối, gây khó cho doanh nghiệp.

Ông PHẠM PHÚ TÂM, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM


 Ông ĐINH QUANG NGỮ

Hội thảo này gần như là cơ hội cuối để doanh nghiệp quảng cáo cùng ngồi lại, bàn bạc, góp ý lần nữa trước khi Quốc hội họp bàn thông qua Luật Quảng cáo.

Hiệp hội sẽ có một bảng tổng hợp ý kiến riêng gửi góp ý cho dự thảo luật.

Ông ĐINH QUANG NGỮ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam


Ông NGUYỄN QUÝ CÁP

Quảng cáo ngoài trời chiếm chỉ khoảng 15% trong thị phần quảng cáo nhưng tại sao lại bị than phiền thường xuyên như vậy, đó là vấn đề! Điều này cho thấy hiện nay so với lĩnh vực quảng cáo trên báo, trên truyền hình thì Nhà nước quản lý quảng cáo ngoài trời nặng nề quá.

Ông NGUYỄN QUÝ CÁP, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam


Luật sư HOÀNG CAO SANG

Luật phải quy định sao cho các địa phương có thể quy hoạch tốt quảng cáo tại địa phương mình mà không mang tiếng vẽ râu vẽ ria, làm khó doanh nghiệp.

Luật sư HOÀNG CAO SANG, Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật (TP.HCM)


Bà NGUYỄN BÍCH MINH

Dự thảo luật giới hạn về diện tích quảng cáo trên báo điện tử. Tuy nhiên, báo điện tử không như báo giấy, không thể đo đếm tỉ lệ 15 trang được. Nếu đo thì kỹ thuật trình bày điện tử có thể “biến hóa” ngay. Ngoài ra, ngành quảng cáo không có khái niệm chuyên trang quảng cáo trên báo điện tử. Có thể có “chuyên vùng quảng cáo”, dự thảo nên thay đổi thuật ngữ.

Bà NGUYỄN BÍCH MINH, Giám đốc truyền thông đối ngoại Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (Hà Nội)

 

“Mỗi năm xin phép một lần rất bất tiện”

Về vấn đề quảng cáo bằng bảng có phải xin phép hay không, ông Kha Kim Hùng cho rằng không nên đòi giấy phép đối với bảng hiệu dưới 20 m2. Ông Nguyễn Thanh Hùng cho rằng nếu không quản lý bằng cấp phép thì thoải mái cho doanh nghiệp nhưng sẽ “loạn”. Doanh nghiệp thấy chỗ nào trống thì cứ lăn vào, cứ dựng bảng lên. Vì vậy, bảng dưới 20 m2 không cần xin phép làm gì. Còn bảng to hơn thì nên xin cấp phép nhưng cấp chỉ một lần khi xây dựng về địa điểm đặt bảng, kích thước bảng. Bây giờ mỗi năm xin phép một lần rất bất tiện.

Ông Trần Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo Sài Gòn (TP.HCM), cũng có ý kiến tương tự, bảng dưới 20 m2 không nên bắt xin phép nhưng cần đăng ký nội dung quảng cáo. Quảng cáo tấm lớn phải xin phép nhưng ba năm, năm năm mới phải cấp lại một lần chứ mỗi năm một lần thì khó khăn quá. “Nếu không cần xin phép thì “loạn” mất, tại TP.HCM nhiều bảng quảng cáo không phép. Nếu lỡ bị phát hiện thì doanh nghiệp cũng chỉ bị phạt có 20 triệu đồng, ai mà sợ!” – ông Nghiệp nói.

QUỲNH NHƯ
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM