Quốc hội nghe kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ phiên khai mạc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không chỉ nghe ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp này mà Quốc hội còn nghe kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước ngay tại phiên khai mạc.

Đó là một trong những dự kiến thay đổi tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, khai mạc sáng 20/5 tại Hà Nội.

Đã thành thông lệ nhiều nhiệm kỳ, mỗi kỳ họp, ở phiên khai mạc, sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội phát biểu, Quốc hội đều nghe báo cáo của Chính phủ về kinh tế – xã hội, báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Và một nội dung không thể thiếu tại mỗi phiên khai mạc là báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp, do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày.

Phiên khai mạc tại kỳ họp này dự kiến có thêm báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là nội dung thường được trình bày vào đầu phiên chất vấn các kỳ họp trước.

Việc hai báo cáo xuất hiện xa nhau như vậy được cho là chưa hợp lý, vì báo cáo của mặt trận không có phần giải quyết kiến nghị mà chỉ tập hợp ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp.

Trong phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sắp xếp lại cho hợp lý, đưa hai báo cáo liền nhau trong phiên khai mạc.

Khi đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, trong phiên khai mạc nên trình bày báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri kỳ họp trước sau đó mới đến việc tổng hợp ý kiến gửi đến kỳ họp này. Đưa báo cáo giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội thứ 6 vào phiên khai mạc, theo ông Phúc là hợp lý, logic.

Với sự đồng tình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 (trình Quốc hội xem xét thông qua) đã thêm báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 vào cuối phiên khai mạc.

Báo cáo này sẽ cho biết số lượng kiến nghị của cử tri được tập hợp, được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, tỷ lệ giải quyết là bao nhiêu và chất lượng ra sao.

Tình hình giải quyết những kiến nghị tồn đọng qua nhiều kỳ cũng được nêu tại báo cáo giám sát này.

Hiện tượng trả lời chung chung, không đúng trọng tâm, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri cũng sẽ được nêu rõ địa chỉ ở báo cáo.

Theo báo cáo chính thức về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu sẽ được trình bày sáng 20/5 thì vẫn còn một số đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá, nhiều văn bản trả lời cử tri chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất cập, không phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không giải trình thấu đáo.

 Một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung như đã giao, đang chỉ đạo giải quyết mà chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, không nhận trách nhiệm của các bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị nên còn thiếu thuyết phục.

Chẳng hạn, cử tri các tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắc Lăk, Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, Tây Ninh đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Trả lời cử tri các tỉnh trên, Bộ Giáo dục và đào tạo chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Về trách nhiệm của mình Bộ chỉ nêu “Ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi”.

Cơ quan giám sát đánh giá, như vậy, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, việc xử lý các cá nhân tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những vi phạm nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri.

Bên cạnh sự thay đổi trong sắp xếp chương trình, nội dung chương trình kỳ họp cũng có một số điểm đáng chú ý. Như trong các các báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu có báo cáo công tác điều hành giá điện, xăng dầu.

Khác với các kỳ họp trước, hoạt động giám sát tối cao (chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”) kỳ này sẽ không được truyền hình trực tiếp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thí điểm thực hiện việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo (nội dung và các phương án xin ý kiến sẽ được gửi đến đại biểu để nghiên cứu trước khi thể hiện chính kiến tại hội trường). Đồng thời ứng dụng phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp (trừ tài liệu mật) dùng trên các thiết bị di động để phục vụ đại biểu Quốc hội.

Dự kiến kỳ họp thứ bảy sẽ bế mạc vào chiều 14/6.