Quốc hội sẽ xem xét “gói giải pháp” 29.000 tỷ đồng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ ba tại phiên họp sáng 5/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết một trong những nội dung được đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo thêm là các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ổn định, phát triển sản xuất.

Đề cập gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa được Chính phủ thông tin, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc các cơ quan chức năng của Quốc hội rà soát lại những quy định nào liên quan đến luật thuế thì phải phối hợp để trình Quốc hội ra nghị quyết thì mới có thể tiến hành thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính  – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết cơ quan này chưa nhận được văn bản về vấn đề này, dù việc tương tự đã được thực hiện vào năm 2009.

Theo ông Hiển, nếu vấn đề liên quan đến thuế thì sau khi có tờ trình Ủy ban này sẽ tiến hành thẩm tra theo đúng quy trình và Quốc hội phải có nghị quyết riêng về vấn đề này. Ông cũng đề nghị Văn phòng Quốc họi chuẩn bị sớm để đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Văn phòng Quốc hội làm việc với Chính phủ để có báo cáo về gói hỗ trợ. Nếu cần ra nghị quyết thì làm quy trình để thẩm tra, nếu không thuộc thẩm quyền thì gửi Quốc hội để báo cáo.

Như VnEconomy đã đưa tin, tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính cho biết gói hỗ trợ khoảng 29.000 tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp về giãn thuế khoảng 16.000 tỷ đồng, bao gồm giãn thuế giá trị gia tăng khoảng 12.300 tỷ và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, các giải pháp tài chính trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ, thuế môn bài sẽ ở mức khoảng 4.100 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ khoảng 3.000-3.200 tỷ đồng và các giải pháp về chi tiêu trị giá khoảng 2.670 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định rằng đây chỉ là “gói giải pháp hỗ trợ”, không phải là “gói kích thích kinh tế lần thứ ba”.

Bên cạnh nội dung nói trên, một số vấn đề đã và đang là tâm điểm quan tâm của dư luận cũng được đề nghị đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Như vụ cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng (Hải Phòng), khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, trật tự an toàn giao thông…

Chủ tịch Quốc hội kết luận, tại kỳ họp tới Quốc hội sẽ nghe báo cáo và kết hợp thảo luận về những vấn đề này.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam