Quốc hội thảo luận Dự luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước: Tinh gọn bộ máy để giảm chi phí công sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật lệch

Với tên gọi là Luật QLSDTSNN, thế nhưng dự luật này khá lệch về việc đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý TSNN; trong khi đó lại chưa thể hiện được tinh thần cần có “kim chỉ nam” để các cơ quan, đơn vị sử dụng, khai thác TSNN có hiệu quả.

Nhiều đại biểu và các chuyên gia cho rằng tại rất nhiều TP lớn, đa số các cơ quan nhà nước hầu hết có vị trí rất đắc địa như gần trung tâm, mặt đường… Trong khi nếu là một cơ sở kinh tế, thương mại thì tài sản này sẽ là “gà đẻ trứng vàng”; thế nhưng việc sử dụng cơ sở này chỉ là nơi giải quyết các vấn đề hành chính thì không những lãng phí; thậm chí còn gây những bất cập về giao thông trong quá trình giao dịch.

Một sự thiên lệch khác được các đại biểu chỉ ra rằng: Việc dự luật cho phép cơ quan nhà nước nếu sử dụng không hết thì được “cho thuê” rất có thể là kẽ hở cho việc trục lợi và tiêu cực. Đa số đại biểu cho rằng sẽ là vô lý khi Nhà nước phải bỏ kinh phí đầu tư; thế nhưng sự thiếu quy hoạch, lãng phí trong đầu tư lại trở thành điều kiện để nhiều cơ quan, đơn vị có cớ sử dụng không hiệu quả TSNN. Có đại biểu còn cho rằng việc lấy lý do “cải thiện đời sống” hay “sung quỹ nội bộ” thực chất là trục lợi cho đơn vị mình và có thể dẫn đến tiêu cực.

Theo đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh thì thực tế đang tồn tại việc “nơi dùng không hết, nơi phải đi thuê”. Vì thế, nơi nào không sử dụng hết cần được thu hồi, điều chuyển.

Tinh gọn bộ máy – quy hoạch công sản

Một số ý kiến cho rằng trong khi luật chưa ra đời thì ngay từ bây giờ Chính phủ và cơ quan quản lý cần bắt đầu sự quy hoạch cả bộ máy và TSNN. Đối với bộ máy hành chính, nhất là các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập; việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp bớt lãng phí TSNN. Điều này cũng phù hợp với tinh thần không hành chính hoá các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và dần chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành DN tự chủ.

Đối với các đơn vị đã và đang cho thuê TSNN, trong thời gian quy hoạch thì đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị nguồn thu phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng tình ý kiến này, các đại biểu cho rằng hằng năm ngân sách đã cấp để đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Vì thế nguồn kinh phí từ cho thuê TSNN thực chất là “ngoài luồng”. Bên cạnh đó, việc nơi này có vị trí rộng, đẹp, cho thuê được nhiều – nơi khác vị trí chật, xấu cho thuê được ít tiền sẽ xảy ra tình trạng “bất bình đẳng” trong thu nhập.

Cũng với vấn đề quy hoạch, các đại biểu cũng kiến nghị cần bắt TSNN “đẻ ra tiền” bằng cách sử dụng hợp lý TSNN, nhất là đất đai, trụ sở. Ví dụ một cơ quan hành chính, tổ chức xã hội, nghề nghiệp… không nhất thiết cứ phải ở trung tâm, mặt đường. Những địa điểm như vậy cần được sử dụng và khai thác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Bên cạnh đó, việc quy hoạch công sản cũng giúp cơ quan quản lý kiểm soát được TSNN; đồng thời nếu có nguồn TS dư thừa thì có thể đấu thầu hoặc giao cho những đơn vị để phát huy giá trị sử dụng và mang lại lợi ích kinh tế.

Những quan điểm trên cũng đồng thuận với báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật Quốc hội khi đề nghị trước hết Chính phủ cần tổng kết việc QLSDTSNN thời gian qua, cập nhật những số liệu và tổng giá trị TSNN hiện nay; qua đó Quốc hội sẽ cho ý kiến xây dựng thêm nội dung luật này.

Theo Báo Lao động