Quốc hội thảo luận Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều đại biểu QH nhất trí việc sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là cần thiết để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn xây dựng và ban hành VBQPPL, tiếp tục cải tiến quy trình lập pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng VBQPPL, xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, công khai và minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới. Nhiều biện pháp, cải tiến trong quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL trong dự thảo được cho là những cải tiến quan trọng và nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ ban hành VBQPPL.

* Khúc mắc là do cơ chế điều hành, thực hiện

Tuy nhiên, không đồng tình với với nhiều ý kiến khác, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Tây) cho rằng với quy định hiện hành, nếu được các cơ quan, tổ chức chấp hành đầy đủ, nghiêm túc thì những hạn chế tồn tại sẽ được khắc phục triệt để, không cần thiết phải sửa đổi Luật. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền ví việc sửa Luật giống như “kê đơn thuốc không chữa đúng bệnh” bởi dự thảo có những vấn đề phi nguyên lý, phi thực tiễn, không thể thực hiện trong thực tế. Theo đại biểu, Dự thảo Luật chưa giải quyết được tận gốc những vướng mắc, hạn chế của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, bởi 90% tồn tại là do công tác tổ chức thực hiện, không phải do Luật, chỉ cần thực hiện tốt Luật hiện hành là có thể giải quyết được. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền chỉ ra những khúc mắc, bất cập chưa được đề cập trong Dự thảo như cơ chế hoạt động, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Ban soạn thảo và các cơ quan trình dự án Luật; căn cứ nào để thực hiện việc thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức các dự án luật; trường hợp dự án liên quan đến nhiều ngành thì phạm vi phối hợp của các Ủy ban trong việc thẩm tra dự án đó như thế nào; trong điều kiện nào thì “một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành”….
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) cũng đồng tình với đại biểu Nguyễn Đình Quyền, cho rằng vấn đề chủ yếu cần giải quyết là cơ chế điều hành, thực hiện chứ không phải do vướng mắc ở Luật hiện hành. Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), trước hết phải đặt vấn đề có cần thiết sửa đổi Luật hiện hành không, nếu sửa thì sửa những gì ? Những hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL cho thấy việc sửa đổi theo hướng gọn nhẹ, phân công cụ thể trách nhiệm, quy trình thông qua…là cần thiết, tuy nhiên một số nội dung cần được nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn.

* Luật cần có quy định về trình tự, thủ tục sửa đổi Hiến pháp

Nhiều đại biểu đề nghị cần có quy định về trình tự, thủ tục sửa đổi Hiến pháp (HP) ngay trong Luật này, vì theo quy định của Dự thảo luật, HP là một trong các hình thức VBQPPL do QH ban hành. Hơn nữa, trong hệ thống pháp luật, HP được xác định là đạo luật gốc, luật cơ bản, nhưng hiện nay ngoài một số quy định chung trong HP, chưa có văn bản nào quy định về trình tự, thủ tục sửa đổi HP, nhất là về hình thức văn bản sửa đổi trong từng trường hợp sửa đổi, bổ sung một số điều. Vì vậy, trong lần sửa đổi này, cũng cần quy định về trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung HP. Theo đại biểu Huỳnh Minh Hiếu (Cà Mau), Lê Thị Nga (Thái nguyên), Thái Thị An Chung (Nghệ An), Võ Thị Thuý Loan (Tiền Giang), Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp), việc sửa đổi, bổ sung HP có ý nghĩa rất quan trọng, nếu dự thảo Luật loại trừ HP khỏi phạm vi điều chỉnh là mâu thuẫn với tên gọi của Luật. Thủ tục, trình tự sửa đổi HP cần thiết phải được luật hoá. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết phải quy định về trình tự, thủ tục sửa đổi HP trong luật này mà sẽ do QH quyết định khi có chủ trương. Đại biểu Huỳnh Minh Hiếu (Cà Mau).
Băn khoăn bởi Dự thảo luật vẫn lấy tên gọi là “Luật ban hành VBQP” như tên gọi của Luật hiện hành trong khi phạm vi điều chỉnh đã thu hẹp hơn, bỏ quy định về VBQPPL của HĐND, UBND, các đại biểu: Võ Thị Thuý Loan (Tiền Giang), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Thái Thị An Chung (Nghệ An) đề nghị vẫn nên giữ nguyên quy định chung về VBQPPL của HĐND, UBND như trong Luật hiện hành nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật, không mâu thuẫn với tên gọi của Luật.
Các đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hoá), Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Võ Thị Thuý Loan (Tiền Giang) tán thành với quy định giao cho CP trách nhiệm lập Dự kiến chung về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, như vậy quyền sáng kiến pháp luật của các chủ thể quy định tại Điều 87 của HP vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội)…cho rằng như vậy sẽ dẫn tới chồng chéo chức năng, hạn chế quyền lập pháp của các chủ thể; mặt khác, theo quy định tại Điều 87 của HP, CP cũng chỉ là một chủ thể bình đẳng với các chủ thể khác trong việc đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Do đó, nên giữ quy trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như hiện hành. Bên cạnh đó, để việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có hiệu quả và có tính khả thi, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của CP cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong việc chuẩn bị nhằm bảo đảm chất lượng các dự án khi đề xuất đưa vào chương trình, cũng như bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng các dự án có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

* Không hoàn toàn nhất trí cả 2 phương án đơn giản hoá hệ thống VBQPPL

Trước thực trạng hệ thống VBQPPL hiện nay rất phức tạp, việc theo dõi, áp dụng và xác định thứ bậc hiệu lực của VBQPPL gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khó xác định được khi nào, về vấn đề gì thì cần ban hành VBQPPL dưới hình thức nào, nhiều đại biểu nhất trí sự cần thiết đơn giản hoá hệ thống VBQPPL. Tuy nhiên, các đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Huỳnh Minh Hiếu (Cà Mau), Võ Thị Thuý Loan (Tiền Giang), Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) không hoàn toàn nhất trí với cả 2 phương án trong Dự thảo luật; đề nghị cần nghiên cứu kết hợp, đưa ra phương án hợp lý hơn với thực tiễn và truyền thống hoạt động lập pháp của Nhà nước ta hiện nay. Đại biểu Hoàng Văn Minh (Nghệ An) tán thành tư tưởng đổi mới để đơn giản hoá hệ thống VBQPPL, tuy nhiên vấn đề đặt ra là thực hiện theo nguyên tắc nào ? Theo đại biểu, nguyên tắc mỗi cơ quan chỉ chọn một hình thức văn bản thông dụng nhất để chứa QPPL không trái với HP, và mang lại các lợi ích: minh bạch hoá, dễ phân biệt, thực hiện, không lẫn lộn với ban hành các văn bản hành chính và tiết kiệm được công sức, kinh phí…Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng việc đơn giản hoá hệ thống VBQPPL là rất cần thiết, phù hợp với thông lệ luât pháp quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đại biểu đề nghị QH nên xem xét nghiên cứu để sửa đổi luật này theo hướng mỗi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ nên ban hành một hình thức văn bản qui phạm pháp luật. Còn những hình thức văn bản khác ban hành là được sử dụng để giải quyết những công việc mang tính điều hành, quản lý hành chính. Tuy nhiên đại biểu còn băn khoăn về tính hợp hiến, tính thống nhất đồng bộ của Dự thảo luật này với hệ thống VBQPPL,cụ thể là với HP và các luật về tổ chức như Luật Tổ chức QH, tổ chức CP, tổ chức TAND, tổ chức VKSND, do đó việc đơn giản hóa hệ thống VBPQPPL phải gắn với việc sửa đổi HP và các luật có liên quan.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An), trong lần sửa đổi này chưa nên đặt vấn đề đơn giản hóa hệ thống VBQPPL vì đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu chuẩn bị kỹ và toàn diện hơn. Ông đồng tình việc đơn giản hoá không chỉ đối với loại hình văn bản mà còn cả đối với loại hình cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL, theo đó, cần bảo đảm tính tối cao của HP, luật. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu để giải quyết một cách cơ bản cả về lý luận, nhận thức, cách làm; đề nghị trước mắt vẫn giữ như quy định hiện hành về hình thức các VBQPPL. Đồng tình với đại biểu Phan Trung Lý, các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hoá) cũng cho rằng việc đơn giản hoá hệ thống VBQPPL là cần thiết nhưng quy định như Dự thảo là chưa phù hợp, thiếu khả thi. Vấn đề này cần được nghiên cứu thận trọng hơn, thực hiện có lộ trình, có sự chuẩn bị kỹ, tránh gây xáo trộn trong tổ chức thực hiện và cần được nghiên cứu thận trọng hơn. Nhiều đại biểu cũng đồng tình đề nghị cân nhắc không nên tiếp tục duy trì hình thức chỉ thị, thông tư, nghị quyết liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ./.

Theo TTXVN