Quốc hội thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự: Mổ xẻ từng định chế mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tòa án không được từ chối xét xử

Đây là một nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Từ trước tới nay, người dân vô cùng cực khổ và bức xúc trước hàng loạt tranh chấp đưa lên tòa án nhưng không được thụ lý với lý do chưa có pháp luật điều chỉnh. ĐB Trần Du Lịch (Đoàn ĐB TP HCM) nhận xét, dân cần giải quyết tranh chấp mà nhà nước không đáp ứng được là nhà nước đã thiếu trách nhiệm với dân. Quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là phù hợp với không chỉ thông lệ quốc tế mà nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Như vậy khi pháp luật chưa quy định thì thẩm phán phải căn cứ vào án lệ, tâp quán, áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật của Quốc hội, tất cả các nội dung này phải được giải thích thật cặn kẽ và thấu đáo. Ví dụ, Ban soạn thảo cần làm rõ việc áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc dân sự trong mối quan hệ với quy định của Hiến pháp là khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trong khi án lệ là những “bản án mẫu”, là hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao. Tiếp đến là những trường hợp nào được áp dụng tập quán? Quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc công nhận, tập hợp và công bố các tập quán để áp dụng.

Hợp đồng có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ

Một nguyên tắc khác cũng được đánh giá là rất tiên tiến khi Dự thảo BLDS bổ sung Điều 435 về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản. Theo quy định của điều này “Hợp đồng có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ khi hoàn cảnh mà các bên dựa vào đó để giao kết đã thay đổi cơ bản. Hoàn cảnh được coi là thay đổi cơ bản khi hoàn cảnh đó thay đổi đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết với nội dung hoàn toàn khác”. Điều luật này cũng quy định các điều kiện để Tòa án có thể ra quyết định sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng.

Theo ĐB Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ TT-TT, đây là một quy định mới đối với Việt Nam. Quy định này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay. Điều quan trọng là phải làm rõ thế nào là “hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản”.

Một số ý kiến cùng quan điểm về quy định tòa án có quyền điều chỉnh hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Nhưng phải quy định tiêu chí rất cụ thể để tránh thẩm phán xét xử theo cảm tính và tùy tiện. ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn ĐB TP Hà Nội) còn cho rằng, việc điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản có thể giao thẩm quyền cho cả trọng tài. Điều này sẽ giảm tải cho tòa án và phù hợp với xu hướng muốn giải quyết nhanh gọn các tranh chấp hiện nay của các DN.

Chấp nhận tính thực tế của giao dịch và xác lập quyền

Một điểm mới của dự thảo Bộ luật cũng được đánh giá rất cao đó là chấp nhận những giao dịch vi phạm về hình thức thay vì bị xử vô hiệu. UB pháp luật cho rằng, cần bảo đảm được tính ổn định của các giao dịch dân sự trong xã hội cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên trong giao dịch trong trường hợp các bên thiện chí. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Đoàn ĐB TP HCM) – Phó chánh án TAND TP HCM cho rằng, quy định mới này rất phù hợp với thực tế. ĐB Ánh đồng tình với UB Pháp luật về quy định, nếu giao dịch dân sự vô hiệu hình thức thì tòa án có quyền xác lập tính hợp pháp. Điều này sẽ bảo vệ các quan hệ mua bán ngay thẳng khỏi bị “lật kèo”. Tức là khi một trong hai bên thấy giá trị của tài sản, hàng hóa lên cao hoặc xuống thấp thì có thể lợi dụng vi phạm về hình thức của hợp đồng để kiện ra tòa đòi hủy hợp đồng.

Dự thảo Bộ luật cũng có quy định mới về bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình. Khoản 2 Điều 133 dự thảo quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Đa số ý kiến thành viên UB Pháp luật đề nghị cân nhắc quy định nêu trên vì cho rằng, nếu chỉ chú trọng bảo vệ người thứ ba ngay tình thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tài sản.

Bá Tú
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp