Quốc hội thảo luận về hai luật thuế Giá trị gia tăng và Thu nhập DN (sửa đổi):Khuyến khích DN đầu tư cho người lao động, làm từ thiện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ưu đãi thuế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Thảo luận về Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, dự luật thuế GTGT sửa đổi một số nhóm đối tượng nâng mức thuế suất từ 5% lên 10% sẽ gây khó khăn cho các DN – do phần lớn DN thuộc loại vừa và nhỏ.

“Thuế suất cao, nhiều DN tìm cách không nộp thuế, nên chưa chắc số thu cho nhà nước đã cao hơn” – Ông Bình nói. Ông Bình cho rằng thuế suất 10% với các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp,

dây chuyền sản xuất phải nhập khẩu là không hợp lý, không khuyến khích được sản xuất. ĐB Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) phát biểu: Nên ưu đãi thuế suất thấp đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Thuế GTGT thực chất là đánh vào người tiêu dùng-14 triệu hộ nông dân trên cả nước. Nếu có thể, nên miễn thuế đối với hàng hóa là máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp để hỗ trợ nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển”.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng để thực thi, Luật chỉ nên quy định một mức thuế là 10%, quy định mọi thành phần kinh doanh đều phải nộp thuế. Còn với những lĩnh vực cần ưu đãi, nên thống nhất đưa vào chính sách hoàn thuế.

Quy định nhiều đối tượng, nhiều mức thuế suất (0%, 5% và 10%) là không khoa học, sớm muộn sẽ lại phải sửa luật. Bà Loan cũng lưu ý Bộ Tài chính phải tăng cường kiểm soát các DN “ma”:

“Nhiều DN lập ra chỉ để mua bán hóa đơn, trong khi đó hệ thống bán lẻ hầu hết không đóng thuế, không có hóa đơn VAT-cần phải DN hóa để tạo môi trường lành mạnh”.

Về điều kiện hoàn thuế phải có hóa đơn và thanh toán qua ngân hàng,  ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) và một số ĐB khác đề nghị có lộ trình thực hiện.

Chi cho người lao động-không nên khống chế

Phát biểu về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), ĐB Đặng Ngọc Tùng (TPHCM) nói: “Mục đích hoạt động của các tổ chức nhân đạo-từ thiện, văn hóa-giáo dục không vì kinh doanh như DN thuần tuý.

Vì vậy, nên bỏ các tổ chức này ra khỏi đối tượng chịu thuế, đó là chính sách khuyến khích cụ thể nhất. Nếu nghi ngờ các đơn vị này lợi dụng kinh doanh, cơ quan thuế phải kiểm soát chặt chẽ.

Ông Tùng cũng cho rằng, luật cần quy định khuyến khích DN đầu tư càng nhiều cho người lao động càng tốt như tiền ăn ca, bảo hộ, nhà ở, chi phí đi lại.

 “Không nên khống chế các khoản chi này, vì đây là đầu tư cho người lao động, hơn nữa tổ chức công đoàn cũng phải đấu tranh thì mới có được”- Ông Tùng đề nghị.

ĐB Lương Phan Cừ (Đăk Nông) cho biết, nước ta có khoảng 5 triệu trẻ tàn tật, mồ côi, hơn 14,7% hộ nghèo, lại liên tiếp bị thiên tai, rất cần hỗ trợ từ thiện-cứu trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Nếu khoản chi này được tính vào khoản giảm trừ sẽ khuyến khích DN làm từ thiện, Nhà nước sẽ có thêm nguồn lực (Nhà nước chỉ mất 25%, nhưng lại thu được 75%) để làm từ thiện.

Liên quan đến mức thuế suất là 25%, nhiều đại biểu đề nghị nên giảm tới 20% như nhiều nước trong khu vực, tạo cạnh tranh, thu hút đầu tư. “Giảm thuế sẽ kích thích DN đầu tư cho sản xuất,  DN cũng đỡ lo trốn thuế hơn”- ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, không nên khống chế mức chi cho quảng cáo như hiện nay. Nếu không, cũng nên quy định từ 15-20% cho quảng bá thương hiệu-vì thương hiệu cũng chính là giá trị của DN.

Đối với các HTX, đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) cho rằng dự thảo Luật bỏ quá nhiều ưu đãi như các chính sách đã quy định, trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới, khu vực coi HTX chỉ là một tổ chức hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, không đánh thuế.

Nguồn: Báo Tiền phong