Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, nên quy định giao cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết, hoặc giao cho Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn giải quyết vụ việc dân sự này.

Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn mới quyết định có đưa vào Bộ luật này hay không để bảo đảm tính khả thi, tránh sự lạm dụng tùy tiện của người khởi kiện.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉ đạo chỉnh lý lại quy định tại Khoản 2 Điều 4 và bổ sung quy định về áp dụng tập quán tại Điều 45 của dự thảo Bộ luật.

Cụ thể, Điều 4, Khoản 2: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định”.

Về vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng.

Một số ý kiến ĐBQH cho rằng, trong tố tụng dân sự, VKSND không thực hiện quyền công tố, mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng.

Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, việc xác định vị trí của VKSND trong tố tụng dân sự là nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau, vì vậy, để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị ĐBQH bằng phiếu.

Kết quả có 233 ĐBQH tán thành với loại ý kiến thứ nhất (55,7%); có 185 đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ hai (44,3%). Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo chỉnh lý theo loại ý kiến VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng và thể hiện trong dự thảo Bộ luật tại Điều 46.

Bộ luật Tố tụng dân sự sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Theo Báo Điện tử của Chính phủ