Quốc hội thông qua Luật Thủ đô
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sau khi xin ý kiến bằng phiếu của các đại biểu (ĐB) QH, dự thảo đã chỉnh lý cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng (Điều 20).

Về Vùng Thủ đô, UBTVQH cho rằng, không thể xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nếu không có sự liên kết với các tỉnh, thành phố khác, nhất là các tỉnh, thành phố lân cận Thủ đô. Từ đó, UBTVQH đã chỉnh lý lại các nội dung liên quan đến Vùng Thủ đô cho chặt chẽ và hợp lý hơn (các Điều 4, 5, 8, 18, 19) đồng thời bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả Vùng Thủ đô (khoản 1 Điều 23).

Về việc xác định rõ tên các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, UBTVQH đề nghị giao cho Chính phủ quyết định để bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô từng thời kỳ.

Khi thảo luận về biểu tượng của Thủ đô, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Theo UBTVQH, việc xác định biểu tượng của Thủ đô phải được cân nhắc, lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố, tiêu chí khác nhau, gắn chặt với lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển của Thủ đô.

Khuê Văn Các- công trình văn hoá, lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, vừa thể hiện được truyền thống hiếu học của người Việt Nam, vừa thể hiện được nền văn hiến lâu đời của nước ta, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ và trang trọng làm biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội.

Hình ảnh Khuê Văn Các cũng đã được thành phố Hà Nội sử dụng làm biểu tượng Thủ đô trong nhiều năm qua và được nhân dân trong cả nước, bạn bè quốc tế công nhận và trân trọng. Do đó, UB đã lựa chọn đây là biểu tượng của Thủ đô.

Về vấn đề quy hoạch (Điều 8 và Điều 9), quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị (Điều 10), UBTVQH đã chỉnh lý lại một số nội dung trong dự thảo như: Xác định rõ trách nhiệm của Quốc hội trong việc lập và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Điều 8); Làm rõ, chặt chẽ hơn loại cơ sở phải di chuyển toàn bộ khỏi nội thành, loại cơ sở bị cấm xây dựng mới, mở rộng quy mô… (Điều 9); Bổ sung quy định thiết lập không gian cảnh quan khu vực hai bên bờ Sông Hồng trong việc xây dựng, quy hoạch Thủ đô vào Điều 10 của dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến của các ĐB, UBTVQH cũng đã chỉnh lý một số nội dung quan trọng khác như: giảm thời gian Chính phủ định kỳ báo cáo về Luật Thủ đô từ 5 năm xuống 3 năm (khoản 1 Điều 22); bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ (Điều 23); làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm hợp tác quốc tế của Thủ đô tại Điều 5 của dự thảo Luật.

Huyền Trân
Nguồn: Báo Hải quan Online