Quốc hội và những quyết định quan trọng 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tôi may mắn được “đắm mình” trong hoạt động của Quốc hội suốt hơn hai thập kỷ. 10 năm đầu làm lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội – đơn vị tham mưu, tổng hợp mọi hoạt động của Quốc hội. Tiếp theo hai khóa XII, XIII là đại biểu Quốc hội, tôi có những trải nghiệm và ấn tượng sâu sắc với việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội. Trong đó, phải kể đến 3 quyết định có ý nghĩa lịch sử: đầu tư xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La; điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Đại công trình thủy điện Sơn La

Ấn tượng đầu tiên của tôi là Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học đã bàn thảo sôi nổi, tranh luận quyết liệt nhiều ý kiến trái chiều trước khi thông qua Nghị quyết số 44/2001/QH10 ngày 29.6.2001 về chủ trương đầu tư, xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La với những yêu cầu rất cụ thể, thiết thực, khoa học, khả thi… Đó là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, vùng hạ du và thủ đô Hà Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp; bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Bắc; giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học; có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Tây Bắc… Một Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công trình quốc gia quan trọng với những lợi ích kép về kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, môi trường, văn hóa như thế phải có trí tuệ toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị vào cuộc mà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội là người ghi dấu ấn quyết định cuối cùng.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ và lãnh đạo TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội
Ảnh: Huyền Loan

Trước khi có Nghị quyết số 44 của Quốc hội về chủ trương đầu tư, xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, hàng trăm hội thảo khoa học, hội nghị của các cấp, ngành, trong nước và quốc tế đã được tổ chức để tìm ra lời giải tối ưu cho quyết định quan trọng của Quốc hội. Một năm rưỡi sau khi ban hành Nghị quyết số 44, ngày 16.12.2002, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 13/2002/QH11 về phương án xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Đây là Nghị quyết thứ hai về công trình quốc gia quan trọng này. Để ban hành được Nghị quyết số 13, Quốc hội đã thảo luận căn cơ các vấn đề có liên quan, trong đó tập trung vào quy mô công trình, mức nước dâng của thủy điện Sơn La thấp hay cao. Bởi nếu thấp quá sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế của nhà máy, làm giảm tổng sản lượng điện năng. Nhưng nếu mức nước dâng cao quá giới hạn đỏ sẽ có nguy cơ đến an toàn đập, an toàn hạ du, tính mạng và đời sống của nhân dân. Sau nhiều nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm nước ngoài, mời các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về thủy điện cùng tham gia nghiên cứu, khảo cứu bằng trí tuệ tập thể, Quốc hội đã quyết định: quy mô công trình với mức nước dâng bình thường của hồ chứa từ 205m – 215m, tối đa không vượt quá 215m. Đó là giới hạn đỏ cho phép của đập; công suất lắp máy từ 1.970MW đến 2.400MW; sản lượng điện trung bình hàng năm từ 7.555 triệu kW/h – 9.209 triệu kW/h; vốn đầu tư từ 31 nghìn tỷ đồng đến 37 nghìn tỷ đồng; số dân tái định cư 79 nghìn người đến 91 nghìn người; khởi công công trình vào năm 2005 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2015.

Với hai Nghị quyết của Quốc hội và sự nỗ lực của cán bộ, công nhân, người lao động Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đặc biệt là nhân dân và chính quyền địa phương các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, đại công trình Thủy điện Sơn La đã về đích trước thời hạn 3 năm, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và của vùng Tây Bắc nói riêng. Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước của công ty điện lực Sơn La đạt 17 nghìn tỷ đồng. Thủy điện Sơn La thực sự ghi dấu ấn sâu đậm của trí tuệ Việt Nam.

Tầm vóc mới Thủ đô

Đã 12 năm trôi qua, song tôi không thể nào quên những ngày tháng 5.2008, nghị trường “nóng” bởi các phiên thảo luận về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, đặc biệt là phiên thảo luận lần cuối vào chiều 29.5.2008 để các đại biểu Quốc hội chuẩn bị bấm nút thông qua Nghị quyết về vấn đề này.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, giới truyền thông, dư luận xã hội, cử tri thủ đô, cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội. “Chiếc áo” từ hơn nửa thế kỷ trước đã quá chật chội so với “cơ thể” vạm vỡ, cường tráng của thủ đô không ngừng phát triển hôm nay. Đồ án quy hoạch vùng thủ đô, với mô hình Hà Nội là đô thị lõi, xung quanh là các đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực của hàng loạt vấn đề bức xúc về tình trạng quá tải hạ tầng và mất cân đối ngày càng trầm trọng của Hà Nội đã được nghiên cứu công phu trong gần 6 năm. Sau khi lắng nghe, tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và đặc biệt là tiếp thu ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ có báo cáo giải trình thấu đáo hơn. Ủy ban thẩm tra của Quốc hội có phương án hoàn chỉnh hơn về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội. Cuối buổi chiều 29.5.2008, Quốc hội đã biểu quyết thông Nghị quyết 15/2008/QH12 với tỷ lệ tán thành cao 92,9%. Nghị quyết này của Quốc hội đã đem lại cho Thủ đô một tầm vóc mới, diện mạo mới và sinh khí mới.

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội đã phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. So với năm 2008, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng hơn 2 lần, thu nhập tăng 2,3 lần, thu ngân sách tăng gần 3 lần, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 2,85 lần. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ liên tục phát triển, an ninh được bảo đảm, giá trị truyền thống của Thủ đô được giữ gìn, xứng đáng với vai trò đầu tầu, vừa hội tụ vừa lan tỏa của Thủ đô. Với tầm vóc mới, thủ đô Hà Nội đang cất cánh, chuyển mình bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố thông minh, đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thủy điện Sơn La – Dấu ấn một quyết định quan trọng của Quốc hội

Con đường huyết mạch Bắc – Nam

Một dấu mốc đáng nhớ nữa, đó là tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIV, ngày 22.11.2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Dự án được áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, chất lượng, hiệu quả. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ý nghĩa của dự án cao tốc Bắc – Nam được Quốc hội phê chuẩn, đó là giải thoát “điểm nghẽn” hạ tầng vận tải Bắc – Nam; tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, tạo “cú hích” cho thông thương với dự kiến trên 45,37 triệu lượt hành khách và 62,27 triệu tấn hàng hóa hàng năm của tuyến Bắc – Nam. Từ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực vào cuộc, từ giải phóng mặt bằng, di dân, xây dựng các khu tái định cư, lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công đến huy động nguồn tín dụng tập trung cho các dự án. Tuy có một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng Quốc hội đã kịp thời tháo gỡ, như tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã quyết định điều chỉnh hình thức đầu tư một số dự án thành phần sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ đưa tuyến đường bộ huyết mạch Bắc – Nam sớm trở thành hiện thực, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời gian tới. 

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều quyết định quan trọng đã được Quốc hội xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng và thông qua trong thời gian qua. Cùng với những thành tựu hết sức quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát, những quyết định quan trọng như vậy đã góp phần ghi dấu ấn về hoạt động của Quốc hội trong lòng cử tri và nhân dân về một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả.