Quốc tế phân tích trở ngại của tăng trưởng kinh tế VN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dù hiện nay các viễn cảnh của VN tỏ ra rất hứa hẹn, vẫn có rất nhiều rủi ro và thách thức tiềm ẩn có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này.

Tốc độ phát triển kinh tế phụ thuộc vào yếu tố kích thích ở bên ngoài nước. Mặc dầu đất nước này đã chứng kiến tốc độ tiêu thụ nội địa mạnh mẽ trong những năm gần đây, nền kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục bị lái theo mức trao đổi mậu dịch từ bên ngoài cao và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng (FDI).

Tổng giá trị thương mại của VN hiện vào khoảng 150% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội), mức cao thứ hai trong khu vực sau Malaysia.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước thu nhận FDI lớn nhất trên thế giới tính theo quy mô GDP của nước này. Bởi vậy, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự sụt giảm bất ngờ của kinh tế toàn cầu và các dòng tài chính không dự kiến trước chảy ra từ các thị trường đang nổi.

Lạm phát: Trái ngược với thời kỳ đầu phát triển kinh tế ở Trung Quốc, tốc độ phát triển kinh tế ở Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tốc độ lạm phát cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 tăng 10%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1996. Sự gia tăng này đẩy tình trạng lạm phát 11 tháng lên mức 9,5%, vượt cả tốc độ tăng trưởng kinh tế dự tính 8,5% trong năm nay và cản trở mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức tăng trưởng GDP thực tế.

Xăng tăng giá khiến giá hàng loạt các mặt hàng khác tăng theo.
Xăng tăng giá khiến giá hàng loạt các mặt hàng khác tăng theo.

Lạm phát được cho là sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới sau khi chính phủ quyết định nâng giá xăng vào cuối tháng 11 vừa qua.

Hạn chế về cơ sở hạ tầng: Mặc dầu Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc + 1”  (China plus one), sự thiếu hụt những cơ sở hạ tầng tốt có thể gây cản trở tốc độ phát triển của đất nước. Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ cần phải đầu tư 5 tỷ USD mỗi năm vào phát triển cơ sở hạ tầng trong khoảng thời gian 2006-2010.

Một trong những vấn đề cấp bách nhất sẽ là thiếu điện nghiêm trọng bởi hệ thống điện quốc gia có thể không đủ sức đáp ứng mức độ tiêu thụ điện tăng vọt trong tương lai gần. Dự tính, Việt Nam thiếu khoảng 4,3-10,3 kWh điện từ năm 2007 tới 2009.

Thâm hụt mậu dịch: Không giống như nhiều nền kinh tế châu Á định hướng xuất khẩu, Việt Nam đang phải chịu đựng tình trạng thâm hụt mậu dịch.

Trong 11 tháng đầu tiên của năm, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam là 10,5 tỷ USD so với 5,1 tỷ USD trong năm 2006, vượt mức 10 tỷ USD mà Bộ Công thương (MOIT) dự tính trong năm nay.

Hiện tại, Việt Nam có đủ các nguồn thu ngoại tệ như FDI, tiền gửi từ nước ngoài và ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức) để bù đắp thâm hụt mậu dịch. Tuy vậy, mức thâm hụt cao liên tiếp có thể cản trở sự phát triển kinh tế dài hạn.

MOIT dự đoán nước này sẽ không có thâm hụt mậu dịch vào năm 2010 nhưng điều đó dường như là quá lạc quan xét theo mức thâm hụt mậu dịch lớn hiện tại.

Mặc dầu sự gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới sẽ giúp ích rất nhiều cho xuất khẩu, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế xuất nhập khẩu sẽ khiến cho hàng nhập khẩu đủ sức cạnh tranh với hàng nội địa, vì vậy xuất khẩu ròng sẽ có đóng góp tiêu cực cho sức tăng trưởng trung hạn.

Thâm hụt ngân sách: Chính phủ hiện đang tiếp tục hoạt động ở một mức thâm hụt ngân sách trong nhiều năm. Mặc dầu con số thâm hụt dự tính ở dưới 4% GDP trong năm 2007, vẫn có chi tiêu đáng kể ngoài ngân sách ở Việt Nam.

Theo IMF, các hoạt động ngoài ngân sách có thể thêm 3-5% GDP vào con số thâm hụt, điều này có thể biến Việt Nam từ một nước thâm hụt thấp thành một trong những nước có thâm hụt cao nhất trong khu vực.

Mặt khác, tiền thu từ dầu mỏ vẫn là nguồn chính trong thu nhập ngân sách để cấp cho chi tiêu chính phủ và điều này rất rủi ro vì tính không ổn định của giá dầu thô toàn cầu.

Không chỉ có thế, biểu thuế nhập khẩu thấp hơn theo quy định của WTO sẽ dẫn tới một sự sụt giảm trong nguồn thu từ thuế hải quan vốn đang chiếm hơn 10% thu nhập ngân sách. Tất cả những yếu tố này có thể đặt đất nước trước nguy cơ rủi ro tài chính tiềm ẩn.

Cần thêm lao động có tay nghề cao hơn: Mức cung lực lượng lao động có tay nghề ở trong nước tiếp tục là một thách thức. Một trong những lý do của việc thiếu hụt lao động lành nghề là chương trình giảng dạy của ngành giáo dục nhìn chung là lỗi thời, không đáp ứng được các yêu cầu công việc hiện tại.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã phải hỗ trợ thành lập các trung tâm đào tạo hướng nghiệp, đồng thời khuyến khích người Việt ở nước ngoài trở về giúp xây dựng và phát triển đất nước.

FDI được cam kết và FDI được chi: Các cam kết mới về FDI tiếp tục tăng, đạt 11,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tạo mức tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, mức chi FDI thực tế được cho là thấp hơn so với cam kết – chỉ khoảng một nửa – cho thấy khoảng cách giữa mong đợi của các nhà đầu tư và thực tế.

Chính phủ phải liên tục cải thiện hệ thống pháp luật của đất nước, loại bỏ thói quan liêu cửa quyền.

Trong một cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 91 trong số 178 nền kinh tế thuận lợi cho kinh doanh. Trong danh sách này, Trung Quốc ở vị trí 83 còn Thái Lan xếp thứ 15. Như vậy, Việt Nam phải đủ khả năng cạnh tranh với quốc gia láng giềng nếu tiếp tục muốn thu hút FDI.

Mặc dầu vậy, các con số phát triển gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục cao trong những năm tới bất chấp các nguy cơ được đề cập ở trên.

Nguồn: VNN