Quy định chứng thực văn bản song ngữ chưa rõ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nghị định chưa quy định

Trước đây, theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18.5.2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không quy định cụ thể thẩm quyền chứng thực các giấy tờ, văn bản song ngữ. Cụ thể, Nghị định này chỉ quy định thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp là chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, UBND cấp xã thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Để hướng dẫn cụ thể, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 03/2008/TT-BTP ngày 25.8.2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79. Theo đó, đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ như hộ chiếu của công dân Việt Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học của nước ngoài… trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã. Như vậy, đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ thì người dân có quyền lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã.

Chưa rõ thẩm quyền

Nghị định 04/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3.5.2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79 quy định cụ thể thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực văn bản song ngữ. Tuy nhiên, Nghị định này không hướng dẫn cũng như quy định cụ thể văn bản song ngữ là những văn bản nào, văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ có giống nhau hay không. Mặt khác, Nghị định  không bãi bỏ Thông tư 03 nên xảy ra nhiều ý kiến, áp dụng xử lý khác nhau về thẩm quyền chứng thực loại văn bản này.

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng văn bản song ngữ khác với văn bản có tính chất song ngữ nên theo Nghị định 04 chỉ có Phòng Tư pháp mới có thẩm quyền chứng thực loại văn bản song ngữ, UBND cấp xã chỉ chứng thực loại văn bản có mang tính chất song ngữ theo quy định tại Thông tư 03.

Thứ hai, ý kiến ngược lại cho rằng, văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ chỉ là một. Do đó, theo quy định của Nghị định 04 thì Phòng Tư pháp cấp huyện là cơ quan duy nhất có thẩm quyền chứng thực các loại văn bản này. Thông tư 03 là văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn Nghị định 04 nên theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không áp dụng quy định tại Thông tư 03 nên chỉ có Phòng Tư pháp cấp huyện mới có thẩm quyền chứng thực.

Từ những ý kiến trái chiều nhau và pháp luật hiện hành chưa cụ thể nên ở địa phương cũng áp dụng và thực hiện công việc chứng thực khác nhau. Có nơi áp dụng khi công dân đến chứng thực văn bản song ngữ hay mang tính chất song ngữ thì UBND cấp xã hay Phòng Tư pháp huyện đều có thẩm quyền chứng thực. Có nơi áp dụng Nghị định 04 chỉ có Phòng Tư pháp huyện mới có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ nêu trên.

Thiết nghĩ, Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất rõ ràng về thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ và văn bản có tính chất song ngữ.

Nguyễn Thanh Xuân
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân