Quy định mới về hoạt động bảo lãnh ngân hàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã và công ty tài chính); chi nhánh ngân hàng nước ngoài; quỹ tín dụng nhân dân Trung ương trong thời gian chưa chuyển đổi thành ngân hàng hợp tác xã thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh theo quy định đối với ngân hàng hợp tác xã và các tổ chức tín dụng nước ngoài trong trường hợp đồng bảo lãnh, cá nhân có liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh.
 
Quy định về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh ngân hàng, Thông tư nêu rõ: Việc phát hành bảo lãnh bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phù hợp với phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh bằng ngoại tệ cho tổ chức, cá nhân là người cư trú đối với nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh từ giao dịch hợp pháp bằng ngoại tệ.
 
Về phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ sau đây của bên được bảo lãnh, cụ thể: Nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay và các chi phí khác có liên quan đến khoản vay; nghĩa vụ thanh toán tiền mua vật tư, hàng hoá, máy móc, thiết bị và các khoản chi phí thực hiện dự án hoặc phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hoặc dịch vụ đời sống; nghĩa vụ thanh toán các khoản thuế, phí, các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khi tham gia dự thầu; nghĩa vụ trong thực hiện hợp đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhận và hoàn trả tiền ứng trước; các nghĩa vụ hợp pháp khác do các bên thoả thuận.
 
Điều kiện đối với bên được bảo lãnh bao gồm: Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; nghĩa vụ bảo lãnh và giao dịch phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh là hợp pháp; có khả năng thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ cam kết với các bên liên quan trong quan hệ bảo lãnh.
 
Về hồ sơ đề nghị bảo lãnh, căn cứ tình hình thực tế hoạt động bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đặc điểm cụ thể của từng nhóm đối tượng khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn cụ thể về yêu cầu các loại hồ sơ, tài liệu mà khách hàng cần gửi tới để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, bảo lãnh.
 
Thông tư cũng quy định chi tiết về các nội dung khác như: Những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng; Xác định số dư bảo lãnh trong thực hiện quy định về giới hạn cấp tín dụng; bảo lãnh đối với tổ chức là người không cư trú; thẩm quyền ký hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh; phí bảo lãnh; thời hạn bảo lãnh; đồng bảo lãnh; quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về bảo lãnh…
 
Về điều khoản chuyển tiếp, các cam kết bảo lãnh ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các thoả thuận đã ký kết cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt. Việc sửa đổi, bổ sung các cam kết nêu trên chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư này.
 
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/12/2012 thay thế Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/06/2006 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế bảo lãnh ngân hàng.

Đinh Bách
Nguồn: Báo Điện tử VnMedia