Quy định về tài sản đảm bảo: Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định về việc ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao, DN sử dụng nhiều lao động, các dự án có hiệu quả… Theo đó, Ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã có biện pháp phù hợp hỗ trợ DN tiếp cận vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay.

Theo ông Đỗ Quang Hiển- Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), kiêm Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội, việc tiếp cận vốn của các DN, đặc biệt các DNNVV đang rất khó khăn về tài sản đảm bảo, thế chấp. Theo quy định của nhiều ngân hàng, các DN khi đi vay vốn phải có tài sản đảm bảo, nhưng hầu hết DN đều không đáp ứng những yêu cầu của phía ngân hàng khi hàng hóa ứ đọng không bán được. Nhiều DN lâm vào cảnh kiệt quệ, thua lỗ…

Không vay được từ ngân hàng, nhiều DN quay sang vay Quỹ Hỗ trợ bảo lãnh tín dụng. Nhưng trên thực tế, việc vay vốn từ quỹ này cũng không đơn giản, bởi Quỹ Hỗ trợ bảo lãnh tín dụng của Hà Nội cũng quy định: DNNVV khi đi vay vốn phải có tài sản đảm bảo. Do vậy, nếu DN có tài sản đảm bảo, thì họ sẽ đến thẳng ngân hàng vay vốn, thay vì đến các quỹ tín dụng để tránh mất thêm phí 0,05%…

Để giải quyết khó khăn này, theo các chuyên gia kinh tế, Hà Nội cần lập nhóm nghiên cứu để giải quyết vướng mắc để các DN, nhất là DNNVV có thể tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Hà Nội đang triển khai thực hiện Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV với kinh phí 80 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai gói hỗ trợ lãi suất sau đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố để giảm khó khăn, giúp DN mở rộng sản xuất –kinh doanh. 

Thúy Ngọc
Nguồn: Báo điện tử Công thương