Quy hoạch dài hơi – Điểm mấu chốt để Luật Đất đai đi vào cuộc sống
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đóng góp vào 8 nội dung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) lấy ý kiến, nhiều người cho rằng để Luật thực sự đi vào cuộc sống và có tính ổn định dài lâu cần phải nhìn xa, trông rộng. Cụ thể hơn đó là vấn đề quy hoạch đất đai phải đảm bảo được yêu cầu cơ bản xã hội trong thời gian khá dài. Có ý kiến cho rằng: Hiện nay có một điều rất vô lý là Nhà nước phải bỏ tiền ra mua đất của Nhà nước! Một số công trình tiền đền bù giải toả chiếm một phần rất lớn trong tổng số tiền xây dựng công trình. “Tôi thấy, đất ở của người dân cần được giao quyền chủ động lâu dài và khi Nhà nước cần thu hồi thì phải đền bù đất ở cho dân. Còn các loại đất khác, Nhà nước cần chủ động, lúc cần thì có thể lấy và chỉ đền bù tài sản trên đất”- vị đại biểu này nói. 
      
Vấn đề quy hoạch đất, việc quy hoạch đất của các cấp chính quyền là một quy luật chuyên ngành nằm trong quy luật xã hội, nên việc này phải được quy định lồng ghép, thống nhất với các quy hoạch phát triển trên các quy định khác. Nếu không, mỗi mảng, mỗi “ông” động vào đất một tí thì cứ động vào là “đá” nhau. Trên địa bàn từng xã, huyện, tỉnh vấn đề quy hoạch đất cần gắn liền với các quy hoạch khác như quy hoạch giao thông, đô thị, kinh tế nông nghiệp, nông thôn… Nên quy định rõ cấp nào quy hoạch, thì cơ quan hành chính đó phải có phương án cụ thể và cơ quan phê duyệt là cấp trên liền kề. Làm như thế sẽ tránh được chồng chéo. 
      
Theo quy định hiện hành, quy hoạch sử dụng đất phải được HĐND tỉnh, thành phố phê duyệt. Điều này hiện cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng, không nên đưa ra HĐND tỉnh phê duyệt. Điều này không phải không có lý, vì quy hoạch đất đai nằm trong quy hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội đã được HĐND tỉnh phê duyệt. Vì vậy, điều này nên dành cho UBND tỉnh – cơ quan có đủ thẩm quyền, chuyên môn có thể xử lý được. HĐND tỉnh chỉ xử lý những vấn đề vĩ mô chứ không nên trực tiếp vào từng lĩnh vực riêng lẻ như vậy. 
      Ngoài ra, để quy hoạch đất đai thực sự… dài hơi, nhiều ý kiến cho rằng: Cần phải nghiên cứu kỹ và bổ sung ngay để quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 2011-2020 kịp hoàn chỉnh. 
      Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên lưu ý: Cần tiếp tục trao đổi tiếp cận vấn đề quy hoạch đất ở nhiều góc độ. Song song với các quy hoạch “cổ truyền”, nên chăng sẽ phải có những “quy hoạch đỏ”, có thể xem là những “quy hoạch cứng”, đảm bảo đất nông nghiệp cho an toàn lương thực, đất rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… Thực tế cho thấy, nếu chỉ tính quy hoạch đất đai ở từng tỉnh như hiện nay sẽ không toàn diện, mà cần phải tính tới quy hoạch đất đai một cách khoa học dưới góc độ môi trường và phát triển bền vững. “Tiếp cận quy hoạch đất đai phải gắn với quy hoạch vùng, lãnh thổ chứ không thể làm phép cộng quy hoạch các huyện thành, quy hoạch tỉnh và cộng quy hoạch các tỉnh thành quy hoạch Quốc gia. Không thể để tình trạng toàn bộ rác thải, khí thải của KCN tỉnh này đổ vào vùng đất của tỉnh bên. Nghĩa là quy hoạch đất đai phải có tính liên vùng, liên tỉnh hài hòa, giữa các KCN, khu đô thị, dịch vụ, có vậy mới đảm bảo phát triển bền vững”- Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.
      
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tây Nguyễn Văn Hùng kiến nghị: Trong công tác chỉ đạo quy hoạch, chế tài quy định trong Luật phải rõ ràng hơn để có tính khả thi cao. Ông Hùng cho rằng: Quy hoạch sử dụng đất là vấn đề cốt lõi, nhưng bất cập hiện nay là: Luật Đất đai quy định quy hoạch đất đai của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch của cấp trên, “nhưng thực tế, họp Hội đồng thẩm định quy hoạch lại họp từ trên xuống, trình hồ sơ quy hoạch lại từ dưới lên, thực tế là cấp xã không thể nắm được quy hoạch của cấp tỉnh, cấp huyện”.
      
Ông Thái Văn Nông – Phó Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An lại nêu ý kiến: Các phường và thị trấn hiện nay đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (do Sở Xây dựng tham mưu thực hiện). Do vậy, không cần thiết phải lập quy hoạch sử dụng đất cho các phường, thị trấn. Kỳ quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai là 10 năm, kỳ kế hoạch sử dụng đất là 5 năm nhưng khi triển khai có địa phương làm trước, có địa phương làm sau. Thực tế ở Nghệ An năm 2007 vừa qua cho thấy, khi lập quy hoạch sử dụng đất ở một số huyện, có quan điểm là lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2017, có quan điểm là đến 2010?

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân