Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư: Hoạt động luật sư không được chạy theo vật chất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ Quy tắc trong bản dự thảo lần 6 còn có những quy định về việc luật sư khi hành nghề phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan…

Không hứa hẹn kết quả

Bộ quy tắc nêu rõ: Luật sư phải tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng. Luậ sư chỉ nhận việc theo khả năng của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu của khách hàng, không chuyển giao vụ việc mình đã đảm nhận (đã ký hợp đồng với khách hàng – PV) cho đồng nghiệp làm thay (trừ trường hợp đã được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng); trong khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư không được chạy theo lợi ích vật chất và xem đó như mục tiêu duy nhất của việc hành nghề luật sư.

Luật sư có thể trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết án nếu xét thấy cần thiết và có lợi cho khách hàng.

Trong trường hợp này, luật sư phải giữ tính độc lập, không bị chi phối hoặc lệ thuộc vào ý kiến khác làm ảnh hưởng tới xây dựng quan điểm, phương án bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Luật sư phải tôn trọng Hội đồng xét xử, Đại diện VKS và có thái độ ứng xử đúng mực khi thực hiện quyền xét hỏi người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác có quyền lợi đối lập với khách hàng…

(Quy tắc 24 vừa được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua).

Luật sư không từ chối thực hiện việc đã đảm nhận, trừ trường hợp bất khả kháng hay mâu thuẫn về quyền lợi, như: Cung cấp dịch vụ pháp lý cho hai hoặc nhiều khách hàng trong cùng một vụ việc, khi quyền lợi của khách hàng đó đối lập nhau, hay trường hợp người thân của luật sư đang thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khác có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư (trừ trường hợp được khách hàng đồng ý).

Ngoài ra, Bộ quy tắc thể hiện: Luật sư được đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý đang đảm nhận khi có cơ sở tin rằng, khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện hành vi trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Theo đó, khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý, luật sư thông báo cho khách hàng trong một thời hạn hợp lý để khách hàng có thể tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt dịch vụ pháp lý đã đảm nhận.

Bộ Quy tắc cũng quy định những việc luật sư không được làm như: Luật sư không thực hiện các hoạt động kinh doanh cùng với khách hàng trong khi hành nghề; Luật sư không soạn thảo hợp đồng tặng, cho tài sản của khách hàng cho chính luật sư hoặc người thân của luật sư; Không nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người khác để thực hiện hoặc không thực hiện vụ việc, nếu việc đó có thể gây thiệt hại cho khách hàng; Không sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trong khi hành nghề.

Luật sư không sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích cá nhân; không hứa hẹn kết quả nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc người có quyền, lợi ích liên quan với khách hàng bất kỳ khoản chi thêm hoặc tặng vật nào ngoài khoản thù lao đã thoả thuận với khách hàng.

“Có qua, có lại”

Luật sư không được móc nối với người tiến hành tố tụng, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy về các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan này, tôn trọng người tiến hành tố tụng và công chức nhà nước khác mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề; Luật sư không móc nối hoặc trực tiếp quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, công chức nhà nước khác nhằm mục đích lôi kéo họ vào việc làm trái quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc; không cung cấp thông tin, chứng cứ mà luật sư nghi ngờ là sai sự thật. Luật sư không phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng.

TS. Luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích về mối quan hệ giữa luật sư và cơ quan tố tụng: “…Nói luật sư độc lập trong hoạt động hành nghề thì cũng không có nghĩa là tự mình tách ra và coi mình là tuyệt đối. Luật sư dành sự quan tâm, tôn trọng các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng thì cũng sẽ nhận được sự tôn trọng lại. Luật sư phải thể hiện cho các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng thấy được ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, luật sư còn có mục đích khác là bảo vệ trật tự xã hội và sự công bằng của pháp luật… Có như vậy luật sư sẽ đảm bảo được tính độc lập trong hành nghề mà vẫn được giữ được sự tôn trọng từ các cơ quan tố tụng và các cán bộ tố tụng”.

Đối với đồng nghiệp, Bộ Quy tắc nêu: Luật sư phải thân ái, tôn trọng đồng nghiệp; góp ý, phê bình đồng nghiệp một cách khách quan, đúng nơi đúng lúc trên tinh thần xây dựng. Luật sư không được xúc phạm hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; không có hành vi gây áp lực, đe doạ hoặc sử dụng các thủ đoạn xấu khác đối với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề. Luật sư không thông đồng với luật sư của khách hàng khác có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân bất chính.

Phong Trần
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam