Quyết định không dễ dàng 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực tế đã từng có thời điểm, tại không ít địa phương “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư được thực hiện một cách ồ ạt, không có nhiều sự lựa chọn các lĩnh vực đầu tư. Điều này đã gây ra những hệ lụy rất lớn, trong đó có môi trường.

Vậy nên cũng dễ hiểu khi Thủ tướng Chính phủ đã phải đưa ra thông điệp không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Sau đó, cách đây gần 1 năm, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc lại thông điệp này, đồng thời nêu rõ phải mở rộng thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí…

Cũng từ thông điệp này, đã có không ít địa phương đã mạnh dạn, thậm chí quyết liệt từ chối các dự án đầu tư có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Mới đây nhất là tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, tại cuộc họp báo do UBND tỉnh chủ trì diễn ra mới đây, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Hợp thông tin, các nhà máy xi măng nằm bên bờ vịnh Cửa Lục, thành phố Hạ Long sẽ dừng hoạt động vào 2030. Đây là chủ trương nhất quán của tỉnh Quảng Ninh nhằm xây dựng thành phố Hạ Long lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm để phát triển.

Quyết định này của tỉnh Quảng Ninh tất nhiên gặp phải ý kiến trái chiều. Bởi cách đây hơn 10 năm, quyết định cho đầu tư xây dựng hai nhà máy xi măng này tại huyện Hoành Bồ được đưa ra khi chưa tính đến phát triển đô thị. Đầu năm 2020, huyện Hoành Bồ sáp nhập vào thành phố Hạ Long, lúc này, tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện; có dịch vụ du lịch với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, trong điều chỉnh quy hoạch không gian phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt cũng như các nghị quyết của HĐND tỉnh đều khẳng định khu vực vịnh Cửa Lục sẽ trở thành trung tâm thành phố Hạ Long mở rộng. Do đó, cả hai nhà máy xi măng đều nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của thành phố Hạ Long mở rộng nên không còn phù hợp với xu hướng phát triển, làm ảnh hưởng lớn tới cảnh quan, môi trường, đời sống dân cư cũng như phát triển du lịch…

Có thể nói, quyết định này của tỉnh Quảng Ninh không phải dễ dàng bởi đây không phải là dự án mới mà đã đi vào hoạt động từ lâu. Và khi UBND tỉnh có chủ trương cũng như văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh đưa việc đầu tư giai đoạn 2 của hai nhà máy ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, tiến tới chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy vào năm 2030 thì vẫn có ý kiến đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét đề xuất của các chủ đầu tư được phép duy trì sản xuất, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2…

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế phải bằng những việc làm cụ thể. Như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV là bảo vệ môi trường không thể chỉ dùng khẩu hiệu suông, mà phải xuất phát từ những hành động cụ thể. Quảng Ninh là ví dụ điển hình.