Quyết tâm thực hiện quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, mặc dù thời gian làm thử việc thực hiện Quyết định số 09 mới gần 02 năm nhưng đã được các địa phương đánh giá bước đầu là cần thiết và có ý nghĩa. Từ kết quả đánh giá, các cơ quan quản lý nắm bắt, xác định được khó khăn, hạn chế của thực tiễn triển khai các nhiệm vụ về giải quyết các vụ việc hành chính – tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ cơ sở; hoạt động của các thiết chế tiếp cận pháp luật (TCPL). 

Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đề ra biện pháp khắc phục, để thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý, hỗ trợ, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Đặc biệt, nhiều địa phương đã thể hiện tinh thần sẵn sàng tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và Bộ tiêu chí TCPL cho phù hợp thực tiễn và thực hiện theo hướng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 5 tập thể tiêu biểu về TCPL toàn quốc, tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 8 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn TCPL của người dân tại cơ sở.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên và các đại biểu tham dự Hội nghị, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này gặp một số tồn tại, hạn chế, bất cập.

Trong đó, riêng về phạm vi làm thử, việc đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL theo Quyết định số 09 được triển khai làm thử tại 05 tỉnh, thành phố (Cà Mau, Điện Biên, Thái Bình, Quảng Bình và TP HCM), chưa được nhân rộng và thực hiện tại các địa phương khác.

Với phạm vi triển khai làm thử và thực hiện trong thời gian ngắn nên dẫn đến chưa đánh giá một cách toàn diện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL và hoạt động đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL; hiệu quả tác động đến người dân chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh vai trò của quy định chuẩn TCPL, của việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn TCPL, nhất là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cho rằng đây là việc phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, Thứ trưởng vui mừng với những kết quả bước đầu, quan trọng theo phương châm “nếu ta không làm thì không ai làm, hôm nay không làm thì không bao giờ làm được”. 

Biểu dương những thành tích, những cố gắng thời gian qua, Thứ trưởng cũng điểm lại một số khó khăn, vướng mắc và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới trên tinh thần “quyết tâm làm đến cùng” nhiệm vụ này. Một trong những yêu cầu của Thứ trưởng với Vụ PBGDPL là phải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương bổ sung tiêu chí TCPL vào Bộ tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong triển khai, chỉ đạo thực hiện Quyết định 09, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, đồng thời đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn TCPL. Với 5 địa phương làm thử, theo Thứ trưởng, cần tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được, có giải pháp phấn đấu đạt kết quả đạt chuẩn TCPL cao hơn.

Thục Quyên
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam Online