Quyết tâm của Chính phủ và khác biệt lớn từ các Bộ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kiểm tra chuyên ngành, gồm kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm, “đang bủa vây doanh nghiệp”, đó là nhận định của ông Bùi Thái Quang, Phó trưởng Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan. Đây chính là nguyên nhân kéo dài thời gian thông quan của hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, mặc dù các thủ tục do Hải quan quản lý đã được cải tiến rất nhiều.

Chỉ tính trong tháng 12 này, cộng đồng doanh nghiệp đã liên tục phản ánh hàng loạt vướng mắc có liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Ví dụ, các doanh nghiệp dệt may phản ứng với Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyt vừa được Bộ Công Thương ban hành cuối tháng 10, mà theo các doanh nghiệp, là có xu hướng tăng đối tượng và thủ tục kiểm tra, quá tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong khi hiệu quả không cao.

Còn Hiệp hội Da giày cũng phản đối quy định da thuộc phải kiểm dịch thú y theo một Quyết định do Bộ NNPTNT ban hành hôm 18/11. Các doanh nghiệp cho rằng da thuộc là loại da đã qua xử lý, hoàn toàn không còn nguy cơ dịch bệnh, nên quy định kiểm dịch đã tạo “sức ép rất lớn” nhưng không cần thiết lên doanh nghiệp.

Những câu chuyện trên đây cho thấy các cơ quan chức năng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, mặc dù trong hai Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã xác định các thủ tục kiểm tra chuyển ngành là một trọng tâm cải cách. Nghị quyết 19 năm 2015 chỉ rõ, phải “cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm”. Đồng thời chỉ rõ từng văn bản cần sửa đổi, bổ sung và cả hướng sửa đổi cụ thể.

Quyết tâm và mục tiêu cải cách của Chính phủ càng rõ nét hơn, khi cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tại đây, Thủ tướng đã giao 13 bộ sửa đổi, bổ sung 87 văn bản từ nghị định cho đến các thông tư, quyết định. Quyết định của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết căn bản các nút thắt hiện nay trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Thế nhưng, việc thực thi của các bộ ngành đang đặt ra những vấn đề rất đáng suy nghĩ, nhất là về tinh thần, trách nhiệm. Có nhiều cơ quan đã rất nhanh chóng, cầu thị lắng nghe doanh nghiệp, nhưng cũng có những nơi, những việc chưa đáp ứng yêu cầu cải cách. 

Vai trò của các Bộ trưởng

Trở lại những vấn đề đang khiến doanh nghiệp đau đầu. Ngay sau khi các doanh nghiệp da giày kêu cứu, trong một động thái nhanh chóng đáng hoan nghênh, Cục Thú y, Bộ NNPTNT đã có công văn chính thức đưa mặt hàng da thuộc nhập khẩu ra khỏi diện phải kiểm dịch và qua đó, gỡ khó một vướng mắc lớn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may lại tỏ ra thất vọng với Thông tư 37 nói trên của Bộ Công Thương, được ban hành nhằm thay thế Thông tư số 32 năm 2009. Cần nhắc lại rằng, cả Nghị quyết 19 và Đề án mới đây được Thủ tướng phê duyệt đều nhắc đích danh Thông tư 32, đồng thời chỉ rõ hướng sửa đổi như miễn kiểm tra với mặt hàng nào, chuyển sang hậu kiểm, triển khai thủ tục qua mạng ra sao… Điều này dễ hiểu, bởi với các doanh nghiệp dệt may, Thông tư 32 được đánh giá là đã gây ra những khó khăn lớn nhất, vô lý nhất trong kiểm tra chuyên ngành.

Thế nhưng, theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, Thông tư 37 không phù hợp với Nghị quyết 19 của Chính phủ, những nội dung mà Chính phủ yêu cầu sửa đổi không được thể hiện trong Thông tư. Đại diện Bộ Công Thương đã lên tiếng với cam kết nhiều mặt hàng sẽ được miễn kiểm tra theo yêu cầu của Chính phủ, song đến nay, Bộ vẫn chưa văn bản chính thức nào khẳng định điều này, dù Thông tư đã có hiệu lực từ 15/12 và doanh nghiệp vẫn đang lo ngay ngáy.

Phải nói rằng trong suốt thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt và có hiệu quả nhiều nội dung cải cách theo yêu cầu của Chính phủ, mà nổi bật là rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, dẫn đến việc chỉ số này của Việt Nam tăng tới 22 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, là chỉ số cải thiện mạnh nhất của Việt Nam trong năm 2015. Hay như việc Bộ triển khai cấp C/O điện tử cũng giúp giảm nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cải cách là không ngừng nghỉ. Ngay cả ngành Hải quan, vốn được đánh giá là đang tiên phong trong cải cách, thời gian gần đây cũng vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp. Một vụ việc nổi cộm là việc 8 doanh nghiệp và Hiệp hội Sữa đã phải gửi công văn tới các cấp có thẩm quyền, sau khi Tổng cục Hải quan bất ngờ thay đổi mã HS của một mặt hàng nguyên liệu sữa và truy thu các doanh nghiệp này hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị khẩn cấp này của các doanh nghiệp.

Một ví dụ khác là khi Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm tra thực tế hàng hóa 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu, kiểm tra ngay tại cửa khẩu nhập, không được chuyển về nhà máy để kiểm tra. Theo Cục Hải quan Bình Dương, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp do khối lượng phế liệu nhập khẩu mỗi lần đều rất lớn (hàng trăm đến hàng nghìn tấn), yêu cầu trên làm tăng chi phí lưu kho, lưu bãi của doanh nghiệp và gây ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, muốn cải cách, sửa đổi từng quy định cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì vai trò của các Bộ trưởng là quyết định. Việc thực thi không nghiêm các yêu cầu của Chính phủ có thể ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào công cuộc cải cách hiện nay.

Mới đây, ngày 13/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có liên tiếp 2 cuộc gặp mặt với lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Tại 2 cuộc gặp, ông đều nhắc đến yêu cầu đẩy mạnh cải cách nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương phải có đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia và hoàn thiện thể chế, bằng việc tập trung rà soát thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi nhiệm vụ để có những điều chỉnh cần thiết. Đây cần được xem là yêu cầu bắt buộc mà Thủ tướng đặt ra với tất cả các cấp, các ngành.

Hà Chính

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ