Rà soát điều kiện kinh doanh: Tràn lan “giấy phép con” trái luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mỗi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014 có thể tương ứng với một hoặc hàng chục điều kiện kinh doanh khác nhau. Hàng chục ngành, nghề kinh doanh và hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã trái, đang trái và sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ trái luật.

Trái luật suốt 16 năm qua

Không cần phải chờ đến ngày 01/7/2016, tất cả hàng nghìn ĐKKD đang được quy định tại các thông tư trong khoảng thời gian 10 năm qua đều là trái luật. Lý do là, ngay từ khoản 5, Điều 7 về “Ngành, nghề và ĐKKD”, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD”.

Bài liên quan:

Trước đó, Nghị định số 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp 2000” cũng đã quy định rõ: “Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành”. Đến khoản 3, Điều 7 về “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014 chỉ là nhắc lại quy định nêu trên: ĐKKD chỉ được quy định trong các luật, pháp lệnh và nghị định, không được quy định trong các thông tư của bộ, các văn bản của chính quyền địa phương và các cơ quan khác. Quy định mới của Luật Đầu tư năm 2014 chỉ có một điểm khác là, hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng không còn được phép ban hành điều kiện kinh doanh như trước đây.

Sau 16 năm, số giấy phép con, tức ĐKKD do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 ĐKKD trái luật. Đến nay, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại ĐKKD do các thông tư ban hành trái luật, thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật.

Kết quả rà soát bước đầu của Bộ KH - ĐT cho thấy, trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh thì có đến 2.833 điều kiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

Tiếp diễn nguy cơ…trái luật?

Nếu vẫn không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định nêu trên của Luật Đầu tư, thì lại sẽ có nguy cơ không xác định được bao nhiêu ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Chẳng hạn, “yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản” cũng chính là một điều kiện kinh doanh theo quy định điểm b, khoản 6, Điều 15 về “Phòng bệnh động vật”, Luật Thú y năm 2015. Tuy nhiên điều kiện kinh doanh này không có trong danh mục 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là trái với quy định nêu trên của Luật Đầu tư.

Ngay cả trường hợp ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, nhưng nếu cứ chép lại ĐKKD trong các thông tư vào nghị định hay cứ ban hành ĐKKD không có cơ sở hợp lý, thì không nhưng gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh, mà cũng còn trái với quy định tại khoản 1, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Rất nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư cần được xem lại như: “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”, “Nhượng quyền thương mại”, “Dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm”, “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô”, “Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản”, “Kinh doanh thuỷ sản”, “Kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi”, “Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước”…

Tất cả các ngành, nghề nói trên đều không thấy rõ điều kiện kinh doanh “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” theo quy định của Luật Đầu tư.

Ngoài ra, một số ngành, nghề kinh doanh chưa từng được quy định về điều kiện kinh doanh như “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô”, “Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản”, “Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước”.

Rõ ràng, trong 6.000 ĐKKD được ban hành một cách tràn lan, vô tội vạ và trái luật mà vẫn chưa có ĐKKD đối với các ngành nghề đó, thì đến nay, không thấy lý do nào xác đáng để phải tạo thêm ĐKKD mới.

LS Trương Thanh Đức
Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư
Chủ tịch Công ty Luật BASICO – Trọng tài viên VIAC

Việc nghiêm cấm ban hành giấy phép con đang dần lấy lại niềm tin và mang đến các cơ hội, động lực mới để DN mở rộng và phát triển.

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến thời điểm khoảng 3.000 điều kiện đầu tư, kinh doanh được quy định trong các thông tư, quyết định sẽ hết hiệu lực thi hành theo Điều 7 của Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, ngay cả khi thời điểm này đang cận kề thì vẫn tiếp tục ra đời những “giấy phép con, cháu”. Điều này không chỉ đi ngược chiều cải cách của các bộ, ngành khi kết thúc việc rà soát các giấy phép con trước ngày 30/5, mà còn trở thành gánh nặng rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi là bước cải cách đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó, hạn chế tối đa giấy phép con là một trong những mục tiêu mà Chính phủ hướng tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn tồn tại và phát sinh mới giấy phép con. Theo Luật Đầu tư, chỉ có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện có tới 6.475 điều kiện kinh doanh, trong đó 3.299 điều kiện được quy định tại các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền.

Giảm bớt giấy phép con đồng nghĩa với việc giảm dần sự can thiệp của các Bộ, ngành đối với nền kinh tế Việt Nam.

Còn theo thống kê mới đây của VCCI, hiện có tới 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp và một nửa trong số đó không còn căn cứ pháp lý để tồn tại. Đặc biệt, trong những điều kiện kinh doanh này, nhiều quy định dù đã được bãi bỏ, song lại được khôi phục với mức độ phức tạp và khó khăn hơn.

Thực tế này tiếp tục đặt ra yêu cầu, phải nhanh chóng dẹp bỏ cả “rừng” giấy phép con, để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, lành mạnh và an toàn hơn cho doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư 2014, các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Để phá bỏ hệ thống “giấy phép con” đã ban hành, ngăn chặn việc ban hành thêm các “giấy phép con, cháu”, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập hợp, rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho DN phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, giảm bớt giấy phép con đồng nghĩa với việc giảm dần sự can thiệp của các Bộ, ngành đối với nền kinh tế Việt Nam. Với những chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào, nhất là giấy phép con, trái quy định pháp luật… đang dần lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, mang đến các cơ hội và động lực mới để DN mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững.

N.Giang

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử