Rà soát Luật Thương mại: Rắc rối khái niệm thương nhân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)… Tuy nhiên, sau khi Luật Thương mại 2005 ra đời, đã có sự thiếu hụt các quy định cụ thể trong chế định pháp luật điều chỉnh các vấn đề chung về thương nhân và hành vi thương mại. Đó chính là nguyên nhân kéo lùi sự phát triển của nhiều hoạt động thương mại mới như nhượng quyền thương mại, dịch vụ logistics…”, bà Yến nói.

Theo bà Yến, trong nhiều nội dung cần sửa đổi, việc quy định rõ ràng về thương nhân là cơ sở cốt yếu để Luật Thương mại phát huy hiệu quả quản lý và tạo điều kiện thúc đẩy môi trường kinh doanh. “Hiện tại, khái niệm thương nhân quy định ở điều 6 và 7 của Luật Thương mại là chưa rõ ràng và chưa bao quát. Việc quy định “thương nhân là tổ chức được thành lập hợp pháp” là không hợp lý và trùng lặp”, bà Yến nêu dẫn chứng.

Điều không hợp lý này được dẫn giải rằng, nếu xét về bản chất, thì một tổ chức được coi là hợp pháp khi tổ chức đó được thành lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và trong nhiều trường hợp, thì tổ chức chỉ được coi là thành lập hợp pháp khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, quy định thương nhân phải là tổ chức hợp pháp là không hợp lý và lại trùng lặp với quy định phải có “đăng ký kinh doanh” ở đoạn cuối của điều luật.

Hay, việc đưa ra điều kiện “thương nhân phải hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên” là không cần thiết. “Điều này làm hạn chế phạm vi áp dụng của Luật Thương mại, bởi lẽ có nhiều hoạt động cũng nhằm mục đích sinh lợi, nhưng do tính chất của lĩnh vực hoạt động hay hàng hóa, nên không hoạt động thường xuyên như buôn bán ô tô, bất động sản… Do đó, nếu quy định như vậy đã loại bỏ đi một nhóm đối tượng cũng hoạt động thương mại, có đăng ký kinh doanh, nhưng không hoạt động thường xuyên”, bà Yến nêu tiếp.

Chuyên gia này khuyến nghị rằng, cần bỏ quy định thương nhân là tổ chức thành lập hợp pháp, bỏ điều kiện thương nhân phải hoạt động thường xuyên và bỏ điều kiện thương nhân phải có đăng ký kinh doanh.

Ông Phạm Đình Thưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) bình luận, khái niệm về thương nhân gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình xây dựng Luật Thương mại. Theo ông Thưởng, việc quy định hoạt động “thường xuyên” được tham khảo từ Luật Thương mại Pháp, chỉ tính chất nghề nghiệp của người hoạt động thương mại. Nếu như mục tiêu của Luật muốn điều chỉnh đối tượng này và quy định nghĩa vụ của họ phải đăng ký kinh doanh, thì việc thêm yêu cầu “có đăng ký kinh doanh” vào định nghĩa là không phù hợp.

Song theo bà Trần Thị Quang Hồng, Phó trưởng ban Nghiên cứu pháp luật dân sự – kinh tế (Viện Khoa học pháp lý), kiến nghị bỏ dấu hiệu “có đăng ký kinh doanh” là không phù hợp, bởi chính việc đăng ký kinh doanh là yếu tố quan trọng để minh định khái niệm thương nhân.

TS. Nguyễn Thị Yến, Đại học Luật Hà Nội chỉ ra rằng, khái niệm thương nhân ở Luật Thương mại không được định nghĩa là gì, mà được định nghĩa bao gồm những ai. “Có lẽ phải đưa ra một định nghĩa cụ thể về thương nhân, chứ không chỉ là thêm bớt phần này, phần kia trong Điều 6, Luật Thương mại”, TS. Yến đề xuất.

Giống như quá trình soạn thảo luật, khái niệm thương nhân trong Luật Thương mại gây ra nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu khi rà soát Luật này. Việc cần có sự minh bạch, thống nhất trong việc chỉ ra đối tượng chịu tác động chính của Luật là yêu cầu cấp thiết để quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân không bị ngăn cản.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử