Rà soát văn bản liên quan đến thi hành Bộ luật Dân sự: Chậm trễ, do đâu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

21 nội dung cần rà soát

Tại cuộc họp gần đây nhất về vấn đề này, Bộ Tư pháp đã đưa ra 21 nội dung cơ bản trong quy định của Bộ luật Dân sự để các bộ, ngành trao đổi, rà soát, sửa đổi hoặc cụ thể hóa quy định của pháp luật có liên quan. 21 nội dung được đề xuất đều là những vấn đề lớn, tác động xã hội sâu rộng, đồng thời với vai trò là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, nên các luật khác khi điều chỉnh không được trái với những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự. Đặc biệt, có những quy định hiện các cơ quan quản lý còn chưa có nhiều thông tin như quyền bề mặt – tức là quyền với mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác; hay người đại diện, người được đại diện và người thứ 3 ngay tình. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khá nhiều bộ, ngành chưa có báo cáo.

Là một trong những cơ quan chậm gửi báo cáo, song Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn thắc mắc, những quan hệ chiều ngang, đặc thù trong hệ thống ngân hàng như quan hệ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng có thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, có thuộc phạm vi rà soát? Từ cách tiếp cận chủ thể của pháp luật dân sự, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện ngoài hai chủ thể là cá nhân, pháp nhân thì hiện có rất nhiều VBQPPL có thêm chủ thể là tổ chức, tổ chức kinh tế. Vậy những chủ thể này là như thế nào trong mối quan hệ với Bộ luật Dân sự? Và để thống nhất với Bộ luật Dân sự cần sửa Luật Các tổ chức tín dụng.

Góp ý vào những nội dung rà soát của Bộ Tư pháp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Hợp nêu thực tế, hiện nay tình trạng cầm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xảy ra ở các tỉnh phía Nam, tuy chưa nhiều nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường gặp khó khăn trong việc xử lý vấn đề này. Bởi, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là loại giấy tờ có giá, trong khi đó cơ quan công an không xử lý được vì không có dấu hiệu tội phạm, tòa án không thụ lý. Về vấn đề này, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, những vướng mắc trên sẽ được giải quyết khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, vì theo Bộ luật này, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ô tô, xe máy… là những giấy tờ có giá.

Chậm từ các bộ, ngành

Bộ luật Dân sự 2015 được đánh giá là rường cột của các quan hệ dân sự và là bộ luật có tác động, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, nếu tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự ngày 5.2.2016, đến nay đã hơn 6 tháng, có khá nhiều bộ, ngành chưa có báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong phạm vi, chức năng của bộ, ngành mình, như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án Nhân dân Tối cao…

 Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2017 và không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.

Sự chậm trễ này khiến Bộ Tư pháp khó có thể hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả rà soát VBQPPL có liên quan đến thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc chậm rà soát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai, cũng như tính pháp lý của không chỉ Bộ luật Dân sự mà còn các luật chuyên ngành với những vấn đề về phạm vi áp dụng, pháp nhân, sở hữu… Những vấn đề này, hiển nhiên bộ, ngành nào cũng biết, song trách nhiệm lại giao cho Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo rà soát văn bản, nên… cuối cùng để hoàn thành đúng kế hoạch, Bộ Tư pháp phải chủ động nêu các nội dung dự kiến để các bộ, ngành “tiện” rà soát, xây dựng báo cáo.

Điều đáng nói, trước sự chậm trễ của các bộ, ngành liên quan, Bộ Tư pháp cũng chỉ dừng lại ở mức độ “tha thiết đề nghị” các bộ, ngành sớm gửi báo cáo để kịp thời tổng hợp, trình dự thảo lên Thủ tướng Chính phủ. Theo chương trình dự kiến, dự thảo báo cáo phải trình Chính phủ vào cuối tháng 8 này.

Khang Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân