Rắc rối tên doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có từ điển chưa chắc đã hiểu

Theo nhiều chuyên gia, quy định tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài được xem là một trong những vấn đề rắc rối, phức tạp nhất hiện nay. Luật có quy định tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

Khi đăng ký thành lập, đây cũng là trường hợp doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ nhiều nhất. Nếu doanh nghiệp có đăng ký tên giao dịch bằng tiếng nước ngoài, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thường yêu cầu họ phải có từ điển chứng minh. Đối với tiếng nước ngoài là tiếng Anh hoặc một số tiếng phổ thông trên thế giới, việc kiểm tra tên doanh nghiệp có phù hợp hay không rất dễ dàng. Nhưng trường hợp tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài không phổ biến, nếu có từ điển để chứng minh, chưa chắc cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh đã hiểu được và nếu yêu cầu phải tìm người phiên dịch sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Ls Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư VNC cho rằng, luật nên sửa đổi và cho phép doanh nghiệp tự dịch ra tiếng Việt và tự chịu trách nhiệm về tên mà mình đã đăng ký.

Hiện nay, theo quy định của luật, doanh nghiệp được đăng ký bằng ba tên: tên tiếng Việt, tên bằng tiếng nước ngoài (thường gọi là tên giao dịch hay tên đối ngoại) và tên viết tắt. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp có đến 4, 5 tên như tên chính thức bằng tiếng Việt, tên chính thức bằng tiếng nước ngoài, tên viết tắt bằng tiếng Việt, tên viết tắt bằng tiếng nước ngoài… Thậm chí một số doanh nghiệp còn sử dụng thương hiệu như một loại tên giao dịch.

Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, tên được dịch ra tiếng Anh là “Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade”, trong khi tên giao dịch bằng tiếng Việt là “Ngân hàng Công thương Việt Nam”, dịch ra tiếng Anh là “Vietnam Bank for Industry and Trade” với tên viết tắt là “Viettinbank”. Điều này cho thấy, trên thực tế tên doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong số lượng là 3 tên như trong luật quy định. Hơn nữa, các luật chuyên ngành khác như Luật các tổ chức tín dụng, Luật Luật sư, Luật Công chứng… không ràng buộc mỗi doanh nghiệp chỉ có nhiều nhất ba tên. Vì vậy, giới hạn việc đăng ký tên doanh nghiệp ở con số 3 được xem là chiếc áo quá chật không đáp ứng được nhu cầu sử dụng tên của doanh nghiệp như hiện nay.

Xây dựng cơ chế giữ tên doanh nghiệp

Một trong những quy định nhằm bảo vệ tên doanh nghiệp được ghi nhận trong Luật và Nghị định 43/2010 là doanh nghiệp không được đặt trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc. Việc chống trùng tên trên toàn quốc được thực hiện từ đầu năm 2011. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi mà số lượng đăng ký tên doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Do vậy, nhu cầu kiểm tra và giữ tên trước cho doanh nghiệp (trước khi thành lập hoặc trước khi đổi tên) là tất yếu. Luật chưa có cơ chế chính thức cho việc giữ tên này, dẫn tới hệ quả là doanh nghiệp hoặc các sáng lập viên phải tốn thời gian, chi phí để soạn nộp đủ hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng chưa chắc đã được chấp nhận tên dự kiến cho doanh nghiệp.

“Luật Doanh nghiệp nên có cơ chế chính thức cho việc giữ tên này, quy định cụ thể giá cả cần bàn, thời gian giữ, quy tắc giữ như thế nào và có thể chuyển nhượng được không? Việc giữ tên này sẽ có hiệu lực trong một thời gian nhất định và người đề nghị giữ tên sẽ phải trả phí cho việc giữ tên.” – Giám đốc Công ty Tư vấn KAC, Cao Bá Khoát góp ý.

Có thể thấy rằng, việc hình thành cơ chế giữ tên doanh nghiệp với những quy tắc cụ thể là hoạt động vô cùng quan trọng khi số lượng doanh nghiệp không ngừng gia tăng trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, quy định thời gian giữ tên trước cho doanh nghiệp cũng phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp. Hơn nữa, sẽ rất khó xác định những doanh nghiệp khác có đăng ký giữ tên đó không và nếu hết thời gian giữ tên, doanh nghiệp chưa tiến hành đăng ký được thì có được gia hạn thêm hay không và thời gian gia hạn thêm là bao lâu cũng là dấu hỏi lớn cần được các chuyên gia nghiên cứu và cân nhắc.

Thu Trang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân