RIA – công cụ bảo đảm tính hiệu quả của chính sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giảm thiểu văn bản kém chất lượng

Thực tiễn công tác thi hành pháp luật tại nước ta đã cho thấy, hệ thống văn bản QPPL ở Việt Nam được đánh giá như một “rừng” quy định với nhiều Luật, Nghị định chồng chéo, thiếu thống nhất với nhau. Nhiều văn bản QPPL sau một thời gian triển khai trên thực tiễn trở nên lạc hậu và không còn phù hợp. Đó là chưa kể có những văn bản mới ra đời chưa có hiệu lực đã bộc lộ những điểm thiếu tính khả thi. Đơn cử như vừa qua, tại Hội nghị giao ban công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp, Bộ NN và PTNT đã thừa nhận quy định thịt lợn phải bán trong tám giờ của Thông tư 33 mới được Bộ ban hành sẽ có hiệu lực tháng 9 tới là “chưa sát với thực tế”.

Bên cạnh đó, một trong những bước quan trọng trong xây dựng văn bản QPPL là tham vấn ý kiến của cộng đồng mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia đã bước đầu nhận được quan tâm, chú trọng, tuy nhiên vẫn còn thiếu công cụ phân tích chính sách khoa học để bảo đảm pháp luật đáp ứng được nhu cầu người dân. “Nếu áp dụng phương pháp RIA một cách nghiêm túc, những chính sách này không bao giờ ra đời cả” – Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh – Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ Phan Đức Hiếu nhận xét.

Xét trong xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay, việc bảo đảm hài hòa quy trình xây dựng chính sách pháp luật cũng tạo tính tương đồng cho giao thương phát triển kinh tế. Đó là một trong những mục tiêu mà ASEAN hướng tới, góp phần nâng cao tính thống nhất minh bạch trong quy chuẩn, giảm rào cản kỹ thuật và giúp thành viên tuân thủ nghĩa vụ quốc tế theo Hiệp định TBT của WTO. Trong APEC việc tăng cường hợp tác về cải cách thể chế và nâng cao chất lượng điều hành cũng được đặt ra nhằm hướng tới hài hòa quy trình xây dựng chính sách, pháp luật thông qua: tăng cường phối hợp nội bộ, áp dụng RIA và tham vấn công chúng. Tuy nhiên, theo danh sách kiểm tra về Cải cách thể chế của APEC – OECD rất nhiều thành viên chưa áp dụng RIA, việc Việt Nam áp dụng công cụ này sẽ là điểm sáng thúc đẩy giao lưu thương mại phát triển.

Trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, cam kết về cơ chế tập trung để điều phối và rà soát các biện pháp điều hành trong lĩnh vực thỏa thuận cũng là nội dung quan trọng, thông qua đó bảo đảm các biện pháp điều hành, giảm mâu thuẫn trùng lặp, ngăn ngừa những giải pháp thiếu nhất quán trong các thỏa thuận thương mại, các rào cản kỹ thuật, đầu tư. Thành viên tham gia Hiệp định này luôn mong muốn có được cách tiếp cận và quan điểm đồng thuận, thấy được môi trường chính sách tương đồng.

Thiết nghĩ, nếu hoạt động đánh giá tác động văn bản QPPL thực hiện có hiệu quả sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng nhiều văn bản ra đời thiếu minh bạch, khả thi mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế.

Tạo tính bền vững cho chính sách

Tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, RIA đã được tiến hành từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng đối với Việt Nam đây còn là “khái niệm khá mới mẻ” – một chuyên gia nói. Thực chất, đó không phải là bước đánh giá tác động của những văn bản đã có hiệu lực và được thi hành trên thực tiễn mà là công cụ tư duy xác định việc có nên thực hiện hoạt động xây dựng luật hay không, những tác động đối với đời sống sau khi được ban hành ở mức độ như thế nào và nếu không can thiệp bằng chính sách có thể khả thi hơn không, tóm lại RIA chính là giải pháp bước đầu của quá trình xây dựng luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 (sửa đổi) ra đời đã có quy định về hoạt động đánh giá tác động sơ bộ VBQPPL trong quá trình xây dựng Luật. Có thể nói, những quy định này sẽ góp phần nâng cao từng bước trình độ, kỹ năng cũng như những kinh nghiệm làm luật của các nhà lập pháp Việt Nam trên cơ sở xác định, đặt đúng vai trò và ảnh hưởng của báo cáo đánh giá tác động.

RIA sẽ là công cụ xây dựng chính sách pháp luật tốt, xác định rõ được mục tiêu nào cần tập trung để giải quyết từ đó giảm thiểu tác động không mong muốn, bảo đảm được tính cân xứng khi áp dụng các công cụ và chính sách pháp luật phù hợp với đối tượng của quy mô đó. Xây dựng pháp luật dựa trên cơ sở đánh giá tác động là quá trình học hỏi và tham vấn ý kiến các bên liên quan, thể hiện trách nhiệm của cơ quan ban hành với đối tượng chịu tác động. Tính minh bạch của văn bản QPPL cũng được bảo đảm dựa trên cơ sở tham vấn ý kiến đối tượng chịu tác động rất đa dạng. Thực tế, nếu không có sự tham vấn ý kiến, quá trình xây dựng văn bản sẽ không thấy hết được những mặt lợi, hạn chế đối với xã hội và như vậy khi đi vào cuộc sống sẽ không phù hợp, dễ dẫn tới việc đối tượng chịu tác động không tuân thủ, từ đó hiệu quả của chính sách pháp luật không được như mong muốn.

Rõ ràng, “những chính sách pháp luật bền vững phù hợp với quy luật của tự nhiên, của xã hội sẽ tồn tại lâu dài hơn, bảo đảm có hiệu quả chính sách, từ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn và bền vững hơn” – Ts Đặng Quang Vinh, Cố vấn Kinh tế và Thể chế, Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam nhấn mạnh.

Thu Trang
Nguồn: Báo điện tử Người đại biểu