Sai phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản phát sinh từ sơ hở về cơ chế, chính sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hội thảo đã nghe đại diện các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia báo cáo và thảo luận, phân tích thực trạng khai thác khoáng sản và lý do tham nhũng trong quản lý khai thác khoáng sản ở Việt Nam.

Nhiều sai phạm phát sinh từ cơ chế pháp luật thiếu chặt chẽ

 Trình bày bài tham luận của mình, ông Lê Thế Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ  đã nêu ra các dạng sai phạm và sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản.

Ông cho rằng, thực tế qua công tác thanh tra đã thấy xuất hiện nhiều sai phạm như việc một số UBND tỉnh phân cấp cho UBND quận/huyện hoặc sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác khoáng sản sai quy định, dẫn đến sai trong quy trình cấp phép thẩm định; ban hành trình tự thủ tục cấp phép trái với quy định như: “tất cả các trường hợp xin cấp phép hoạt động khoáng sản phải có ý kiến đồng ý của UBND tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường mới được tiếp nhận hồ sơ” đã tạo ra cơ chế độc quyền, xin – cho gây phiền hà cho doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực; thiếu nhất quán trong chỉ đạo điều hành, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản;…

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản của các địa phương chưa thường xuyên do còn hạn chế về lực lượng, thiết bị, phương tiện; các biện pháp xử lý, chế tài chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp hoạt động khoáng sản phải thực hiện đúng đề án, thiết kế khai thác mỏ; thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

Một số sơ hở trong cơ chế, chính sách như việc công bố công khai nội dung quy hoạch cũng như hướng dẫn thực hiện quy hoạch gần như chưa thực hiện sau khi có quy hoạch khoáng sản của Trung ương phê duyệt, dẫn tới tình trạng mỗi địa phương hiểu theo một cách khác nhau và thực hiện cũng khác nhau, không đúng nội dung quy hoạch.

Theo ông Trịnh Xuân Bền, Phó Cục Trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thì nhiều quy định của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế, một số quan hệ mới phát sinh chưa được quy định bổ sung đây là vấn đề dễ gây ra tham nhũng bởi sự tùy tiện trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là những đối tượng chính tham gia vào hoạt động khoáng sản; vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư chưa nhiều đây chính là một trong những dấu hiệu của nguy cơ tham nhũng trong ngành khai thác khoáng sản.

Khai thác khoáng sản theo kiểu “trăm hoa đua nở”

Trình bày tham luận “Thực trạng ngành Công nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam” ông Phạm Quang Tú đại diện cho Viện Tư vấn phát triển cho biết, hiện nay ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến khoáng sản với nhiều hình thức khai thác, chế biến khác nhau theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún hay chế biến thô khoáng sản rồi xuất khẩu ngay như “ăn xổi”;… dẫn đến việc khai thác khoáng sản tràn lan theo kiểu “trăm hoa đua nở” thiếu sự tham gia của các cơ quan khoa học, thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, của người dân và xã hội.

Ông Lê Thế Chiến bổ sung thêm, một số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản (chủ yếu là cát, sỏi, sét gạch ngói,…) theo hình thức thủ công, nhỏ lẻ diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, không thể ngăn cấm do  pháp luật chưa có quy định quản lý hoạt động này.

Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản

Tại Hội thảo đại diện một số cơ quan tham gia đã đưa ra một số giải pháp nhằm phòng chống tham nhũng trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Tiến sĩ Trịnh Xuân Bền, Phó Cục Trưởng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu lên cần tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản với nội dung chặt chẽ, hiệu quả; đổi mới cơ chế bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản; nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ giấy phép hoạt động khoáng sản.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thọ, Phó Vụ Trưởng vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công thương cho rằng cần tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; nâng cao năng lực phòng, chống tham nhũng các cấp và các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

Cuối buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các tổ chức cũng như những ý kiến thảo luận sâu sắc của các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đồng chí khẳng định: “Hội thảo đã đóng góp nhiều thông tin phong phú, đề xuất nhiều giải pháp phục vụ cho Đối thoại 9 và xa hơn nữa là phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam nghiên cứu, tham khảo trong việc hoạch định chính sách pháp luật, tổ chức việc thực hiện pháp luật về công tác quản lý và khai thác khoáng sản ở Việt Nam.”

Đa phần các ngành khai thác khoáng sản khác đối với Việt Nam là mới tiếp cận nên đồng chí mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của các chuyên gia trong và ngoài nước trên những lĩnh vực mới này.

Trên tinh thần tiếp thu các kết quả tại Hội thảo trước mắt phục vụ cho Đối thoại, Phó Tổng Thanh tra đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cũng như các đối tác phát triển khẩn trương hoàn thiện Báo cáo của mình./.

Quang Vững
Nguồn:
www.thanhtravietnam.vn