Sản xuất công nghiệp và thương mại 2 tháng cuối năm: Tăng tốc về đích
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đáng chú ý, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD, tăng 23,3% so cùng kỳ. Nếu 2 tháng còn lại giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay thì khả năng sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm 2007 đạt 48 tỷ USD.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng khá

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 10 đạt gần 50 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Cộng chung 10 tháng, toàn ngành đạt 467.935 tỷ đồng, tăng 17%, trong đó: khu vực nhà nước tăng 10,3%, khu vực ngoài nhà nước tăng 20,8% và khu vực đầu tư nước ngoài tăng 18,2% (trong đó dầu khí giảm 6,7%, các ngành khác tăng 23,4%).

Trong tháng 10, sản xuất ở hầu hết các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, một số doanh nghiệp tăng trên mức bình quân toàn ngành như: Tập đoàn Dầu khí 26,7%; TCT Máy động lực và máy nông nghiệp 23,2%; TCT Máy và Thiết bị công nghiệp 19,3%; TCT Thiết bị điện 36,5%; TCT Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội 30,5%, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp 30,0%, Công ty nhựa Việt Nam 30,8%…

9 nhóm hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD

Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Cộng chung 10 tháng đầu năm xuất khẩu đạt trên 39 tỷ USD, tăng 18,6%; có 9 nhóm hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 nhóm hàng đạt trên 3 tỷ USD.

Nhóm sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng ổn định và duy trì khả năng xuất khẩu do được lợi thế về giá. Những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao là cà phê tăng 84,1%; hạt tiêu 28%; nhân điều 25,4%.

Các sản phẩm công nghiệp tiếp tục đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước, một số đạt mức tăng trưởng cao là hàng dệt may đạt 6,4 tỷ USD, tăng 31,1%; sản phẩm gỗ 1,9 tỷ USD, tăng 22,4%; hàng điện tử và linh kiện máy tính 1,7 tỷ USD, tăng 23%… Riêng giày dép các loại tăng trưởng thấp hơn, đạt 3,2 tỷ USD và tăng 9,9%.

Nhập khẩu tiếp tục tăng cao. Tháng 10, cả nước nhập khẩu 5,2 tỷ USD. Như vậy, nhập khẩu tiếp tục gia tăng và đứng ở mức cao, cao hơn nhiều so với kế hoạch cả năm 10 tháng đạt 47,9 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ.
Thâm hụt thương mại tháng 10 khoảng 1,05 tỷ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu. Cộng chung 10 tháng đầu năm, mức thâm hụt thương mại là 8,9 tỷ USD, chiếm 22,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức nhập siêu trong 10 tháng cao chủ yếu do giá nhập khẩu một số mặt hàng và nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao; ảnh hưởng của việc giảm thuế nhập khẩu; sự chậm trễ của việc áp dụng các quy chế phi thuế quan.

Lĩnh vực dịch vụ diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ 10 tháng đạt 583,8 ngàn tỷ đồng, tăng 22,7 % so với cùng kỳ năm 2006. Đáng lưu ý, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây (8,12%), nhất là giá xăng dầu, vật tư phục vụ sản xuất và giá lương thực.

Tăng tốc 2 tháng cuối năm

Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2007: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,3%, xuất khẩu đạt 48 tỷ USD (tăng 20%), trong 2 tháng còn lại của năm, ngành Công Thương sẽ dốc toàn lực, tăng tốc về đích, phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung vào phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời đề xuất với Bộ Tài chính giãn thời gian nộp thuế VAT đối với một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm cùng với việc rà soát lại các kế hoạch đầu tư để đảm bảo đầu tư tập trung, đúng tiến độ và hiệu quả.

Vấn đề hạn chế nhập siêu trong 2 tháng cuối năm được đặc biệt chú trọng. Trong đó, thúc đẩy tăng trưởng XK để cân bằng cán cân thanh toán được coi là giải pháp chủ yếu để hạn chế nhập siêu. Tiếp tục đà tăng trưởng xuất khẩu của tháng 10, trong tháng 11 và 12, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giầy, thuỷ sản và những mặt hàng có dung lượng thị trường lớn.

Nhằm kiềm chế chỉ số tăng giá tiêu dùng, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra rà soát giá các mặt hàng trọng yếu như thép, gas, sữa… Khai thác tối đa thị trường trong nước, nhất là khu vực người tiêu dùng có thu nhập thấp; chú trọng hơn nữa các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm.

Theo Báo Thương mại