Sản xuất, kinh doanh còn nhiều gam màu tối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kết quả được công bố hôm 9-7 tại TPHCM dựa trên khảo sát doanh nghiệp trên toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2013, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành nhằm đưa ra đánh giá cảm nhận chung của doanh nghiệp về tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và dự cảm cho 6 tháng cuối năm 2013.

Khó với hàng tồn

Điều đáng lo ngại nhất từ kết quả điều tra cho thấy, lợi nhuận trên một số đơn vị sản phẩm giảm sút, giá bình quân của các sản phẩm của doanh nghiệp cũng giảm mạnh. Vấn đề hàng tồn kho tiếp tục vẫn là mối lo ngại của doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Phát biển tại buổi công bố kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013, bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển doanh nghiệp của VCCI cho biết, có gần 69,2% ý kiến doanh nghiệp cho rằng vấn đề giải quyết đầu ra, khai thác thị trường vẫn là khó khăn lớn nhất trong 6 tháng qua. Nhiều nỗ lực của doanh nghiệp giải quyết tình trạng này vẫn tập trung vào các giải pháp truyền thống như tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, giảm giá bán hàng hóa, thực hiện các chương trình quảng cáo, khuyến mãi chiếm 28,7%.

Điểm đáng lưu ý, dù thời gian qua, việc phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt đã được thúc đẩy nhanh và mạnh nhưng theo kết quả khảo sát chỉ có 8,9% doanh nghiệp áp dụng giải pháp đưa hàng hóa về nông thôn để giải phóng hàng tồn kho.

Theo khảo sát, vẫn còn đến 27,6% doanh nghiệp gặp phải vấn đề tồn kho thanh toán (hàng đã bán được, nhưng đối tác không thể thanh toán tiền). Trong những doanh nghiệp gặp khó khăn về tồn kho thanh toán, tỷ lệ doanh nghiệp có tồn kho công nợ từ doanh nghiệp (B2B) nhiều hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp có tồn kho công nợ từ khách hàng mua lẻ và từ khu vực công. Điều này chứng tỏ nhiều doanh nghiệp vẫn còn nợ đọng lẫn nhau do gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, có 54% doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn của ngân hàng, trong khi tỷ lệ này vào cuối năm 2012 là 57,3%. Như vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp có xu hướng giảm so với năm 2012.

“Trong những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, chỉ có khoảng 36% doanh nghiệp được ngân hàng đáp ứng vốn vay. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn trong 6 tháng đầu năm 2013”, bà Quyên nói.

Cũng theo kết quả khảo sát, mục đích của việc vay vốn của các doanh nghiệp là nhằm thực hiện phương án kinh doanh mới, trang trải các chi phí lưu động như trả lương và trả cho nhà cung cấp. Một số doanh nghiệp vay để trả nợ để trả các khoản nợ đến hạn của các ngân hàng khác. Giải thích về việc không vay được vốn ở các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, lãi suất cho vay vẫn còn quá cao, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao, doanh nghiệp có nợ xấu…

Bên cạnh những khó khăn về lãi suất, các ngân hàng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp. Việc quá phụ thuộc vào tài sản thế chấp là bất động sản cũng là nguyên nhân khiến việc giải quyết nợ xấu, phát mãi tài sản thế chấp tại ngân hàng trong điều kiện hiện nay càng khó khăn hơn. Việc sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để tiếp tục thế chấp vay các khoản vay khác ở các doanh nghiệp bắt đầu phổ biến. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, những hỗ trợ của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Kỳ vọng nửa cuối năm 2013

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lạc quan vào một số yếu tố và tin tưởng trong 6 tháng cuối năm 2013, tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn

Theo kết quả khảo sát, một số yếu tố được doanh nghiệp đánh giá có chuyển biến tốt là việc tiếp cận thông tin về thị trường, công nghiệ tốt hơn. Điều kiện hạ tầng tiện ích như điện nước, xử lý nước thải đã có nhiều cải thiện tích cực.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, cho rằng một điểm sáng khác là cơ sở để doanh nghiệp kỳ vọng tình hình kinh doanh trong 6 tháng cuối năm sẽ diễn biến tốt đẹp hơn là chính sách điều hành vĩ mô của Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đã cải thiện khá tốt.

Cụ thể, có tới 40% doanh nghiệp đánh giá có hiệu quả cao và rất cao về chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Các giải pháp khác mà Nhà nước đưa ra như hoàn thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% tiền thuê đất trong năm 2013 được các doanh nghiệp đánh giá tốt và kịp thời. Các giải pháp về tín dụng của Nhà nước được doanh nghiệp đánh giá hiệu quả cao có tỷ lệ lớn hơn các doanh nghiệp đánh giá thấp và rất thấp.

Để vượt qua khó khăn, trong 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu tại buổi hội thảo cũng cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn.

Ông Đặng Đức Thành, Ủy viên Ban chấp hành VCCI cho rằng, điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là các doanh nghiệp nên xây dựng, rà soát và giám sát chặt chẽ các khoản định mức chi phí để tối ưu hóa nguồn lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chú trọng cân đối dòng tiền, nâng cao thanh khoản cũng cần được thực hiện tốt nhằm tăng cường năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online