Sản xuất lúa gạo năm tới sẽ ra sao?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Phải chủ động lịch thời vụ, có thể phải bơm nước ra để kịp làm vụ đông xuân nếu lũ xuống chậm. Nếu không, vụ đông xuân đẩy các vụ kia lùi lại thì nguy”, PGS.TS. Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đưa ra cảnh báo tại Hội nghị Lúa gạo vùng Nam bộ tổ chức tại Hậu Giang vào cuối tuần rồi. Nhưng nếu bơm nước thì phải tính tiếp chuyện bờ bao, xăng dầu cho khoảng 400.000 héc ta, không thể khác.

Trong khi đó, các nhà khoa học nông nghiệp và bà con nông dân đều nói xuống giống lúa đông xuân trong tháng 11 sẽ cho năng suất cao hơn so với tháng 12. Vả lại, ở một số vùng hạ lưu, nếu làm trễ dễ bị xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ; vật tư nông nghiệp thường biến động và khả năng cung ứng lúa giống cũng thường bị thiếu…

Trong khi đó, ông Dư đề nghị hai đợt xuống giống vụ đông xuân này ở ĐBSCL là từ ngày 5 đến 30-11 cho 700.000 héc ta (đợt 1), và từ ngày 5 đến 30-12 cho 600.000 héc ta (đợt 2). Tuy vậy, ông Dư cũng chia sẻ ý kiến của các đại biểu ở ĐBSCL và Đông Nam bộ về những thuận lợi căn bản cho sản xuất vụ đông xuân này. Đó là lợi nhuận làm lúa đang ở mức cao (từ 40-50%) và nông dân đang hăng hái đầu tư sản xuất.

Về diện thích canh tác, nếu thắng được vụ lúa này – quyết định tới 70% diện tích lúa cả năm của ĐBSCL – thì các vụ tiếp theo sẽ đi theo kịch bản mà Cục Trồng trọt đã tính với cả các tỉnh Đông Nam bộ. Năm 2011-2012, nông dân Nam bộ sẽ làm bốn vụ lúa: đông xuân (1,65 triệu héc ta), hè thu (1,8 triệu héc ta), thu đông (600.000 héc ta) và vụ mùa (380.000 héc ta). Riêng với vụ hè thu và thu đông, Cục Trồng trọt chỉ đạo bằng văn bản: “Chuyển dần diện tích sản xuất lúa hè thu không hiệu quả, năng suất thấp, bấp bênh sang canh tác lúa thu đông trên nguyên tắc tổng diện tích sản xuất lúa trong năm không giảm”.

Theo ông Dư, việc ổn định diện tích lúa như vậy là “nhằm hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất lúa sang các mục tiêu kinh tế – xã hội khác làm ảnh hưởng đến chiếc lược an ninh lương thực”.

Chuyện làm lúa vụ 3 trong lũ lụt vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người mặc dù Bộ NN&PTNT đã xác định cơ cấu mùa vụ rõ ràng. Lý do vì trong mùa lũ lụt năm nay, ĐBSCL làm thêm được hơn 132.000 héc ta trong tổng số hơn 644.000 héc ta của cả vùng (đến ngày 25-10 bị thiệt hại hơn 8.400 héc ta do bể bờ bao). Tới nay, dù đang còn lũ lụt, đã thu hoạch được hơn 250.000 héc ta; còn hơn 390.000 héc ta lúa đang chín trong đê bao, phải tới cuối tháng 12 mới thu hoạch hết.

Kết luận hội nghị nói trên, PGS.TS. Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: “Sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL trong mùa lũ lụt là điều khả thi”. Theo ông, nếu không có sự cố tiếp thì “vụ lúa thu đông năm nay sẽ cho sản lượng 1,3 triệu tấn, vượt chỉ tiêu 1 triệu tấn mà Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp. Đây là thắng lợi lớn của Việt Nam so với tình hình lũ lụt đang làm thiệt hại hàng triệu tấn lương thực ở Thái Lan”.

Tính chung ba vụ đông xuân, hè thu và thu đông, năm nay cả Nam bộ sản xuất được hơn 24,9 triệu tấn lúa, trong đó ĐBSCL làm được hơn 22,75 triệu tấn. Đến ngày 27-10, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 6,2 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,06 tỉ đô la Mỹ. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2011 cả nước sẽ xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online