Sau 2014, tăng trưởng kinh tế mới có thể trên 7%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại phiên thảo luận với nội dung tái lập và ổn định kinh tế vĩ mô trưa 9/6, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết Việt Nam sẽ kiên định thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 11 như thắt chặt tiền tệ, tài chính công… trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Đặc biệt đối với cắt giảm đầu tư, Phó thủ tướng cho biết, kể từ khi có Nghị quyết 11, Việt Nam đã giảm chi được 40.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách, qua đó giảm bội chi xuống mức 5,3% ở thời điểm hiện tại và sẽ hướng tới con số dưới 5% vào cuối năm nay.

Đại diện Chính phủ cũng khẳng định song song với thắt chặt tiền tệ, cơ quan quản lý sẽ thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt nhằm đảm bảo cùng lúc 2 mục tiêu là ổn định vĩ mô và tạo đà cho những bước phát triển dài hơi hơn của nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị, hầu hết các nhà tài trợ đều đánh giá cao hiệu quả của Nghị quyết 11, đặc biệt là góp phần ổn định thị trường ngoại hối cũng như cải thiện uy tín tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các bên cũng tỏ ra quan ngại về tính bền vững của các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Theo đại diện IMF, phần lớn gánh nặng chính sách sẽ rơi vào khu vực tiền tệ. Thách thức trước mắt của Việt Nam là phải xử lý được xu hướng lạm phát tiếp tục tăng cao, áp lực với tỷ giá, lãi suất cao… Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục thắt chặt tín dụng cho đến khi tình hình lạm phát giảm xuống dưới 10% và dự trữ ngoại hối ở mức cao hơn.

Ông Bruce Campbell, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giảm tín dụng cho khu vực doanh nghiệp quốc doanh hoạt động thiếu hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính minh bạch hơn nữa trong các chính sách tài chính, tiền tệ.

Đánh giá những đóng góp của các nhà tài trợ cũng như sự giúp đỡ đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh mục tiêu dài hơi của Việt Nam là mức lạm phát phải thấp hơn mức độ tăng trưởng: “Chính phủ sẽ cố gắng giữ ổn định, hợp lý tỷ giá để vừa phục vụ sản xuất, khả năng cân đối, tăng dự trữ quốc gia về ngoại tệ. Đến năm 2014, mức độ tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 7%. Đến 2020, cán cân thanh toán quốc tế Việt Nam sẽ lành mạnh”, Phó thủ tướng khẳng định.

Về dự trữ ngoại hối, Phó thủ tướng cho biết trong vòng 2-3 tháng qua, mức dự trữ đã tăng thêm 2 tỷ USD. “Con số này còn tăng nữa. Đến 2012, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ đảm bảo 16 tuần nhập khẩu”, đại diện Chính phủ khẳng định.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress