Sau “tái thiết” Dự thảo Luật Thủ đô vẫn chưa thuyết phục
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đồng ý hạn chế nhập cư nhưng phải có giải pháp tổng thể

Dự thảo Luật Thủ đô lần này vẫn bảo lưu một số điều kiện cho người đang tạm trú ở nội thành muốn được đăng ký thường trú phải đáp ứng đủ các yêu cầu: “Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 03 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường -Trưởng Ban soạn thảo giải thích việc áp dụng một số biện pháp hành chính để kiểm soát dân cư trong nội thành Hà Nội như Dự thảo Luật là cần thiết vì trong những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành. Trên thực tế, điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công của Thành phố như giáo dục, ‎y tế, giao thông … không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào Thủ đô. Trong khi đó, Thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công cho số lượng lớn dân cư như vậy.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý tán thành với quy định về điều kiện đăng ký thường trú của công dân ở nội thành Hà Nội của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, cùng với quy định này của Dự thảo Luật cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế – xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doạnh, dịch vụ ra khỏi nội thành; giảm bớt việc xây dựng nhà ở cao tầng trong nội thành… thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Bên cạnh đó, vẫn còn có ý kiến băn khoăn với giải pháp mà Ban soạn thảo đưa ra, theo đó với những quy định như Dự thảo Luật cũng không thể hạn chế được người dân đến cứ trú tại nội thành Hà Nội, vì nếu không được đăng ký thường trú thì họ vẫn có thể tạm trú tại đó để mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc và như vậy áp lực lên cơ sở hạ tầng của Hà Nội vẫn không được giải quyết.


Chưa đủ cơ sở để Hà Nội áp dụng mức xử phạt cao hơn

Ngoài ra, Dự thảo Luật lần này quy định Hà Nội được phép áp dụng mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng ở nội thành trong 03 lĩnh vực là văn hóa, đất đai, xây dựng. Giải thích của Ban soạn thảo là do Luật xử lý vi phạm hành chính mới được Quốc hội thông qua đã cho phép các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Hà Nội, quy định mức tiền phạt cao hơn (nhưng không quá 02 lần) mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, nhìn kỹ về cơ sở pháp lý ông Phan Trung Lý cho biết, tuy Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2012) đã lựa chọn và cho phép các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Thủ đô Hà Nội áp dụng mức phạt tiền cao hơn không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định trong một số lĩnh vực: giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội nhưng ba lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng như trong Dự thảo Luật thì chưa quy định. Việc Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung thêm 3 lĩnh vực văn hóa, xây dựng, đất đai được áp dụng mức tiền phạt cao hơn ngay khi Luật xử lý vi phạm hành chính chưa có hiệu lực thi hành là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ. Hơn nữa, trong quá trình xem xét, thông qua Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính cũng đã có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung này nhưng đã không được Quốc hội chấp thuận. Mà trên thực tế, các vấn đề phát sinh trong ba lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội mà là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc khi đưa nội dung này vào Dự thảo Luật.

Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến tán thành với quy định như trong Dự thảo Luật, việc bảo vệ trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng ở Thủ đô là rất quan trọng vì đây là bộ mặt của cả nước. Do đó, việc quy định mức tiền phạt cao hơn trong 03 lĩnh vực này sẽ có tác dụng lớn trong việc răn đe, phòng ngừa vi phạm. Quy định như Dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời bảo đảm nhất quán với quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô là “các chính sách đặc thù quy định cho Thủ đô phải là các chính sách khác hoặc chưa được quy định trong pháp luật hiện hành”.

Phí có thể cao hơn nhưng lệ phí thì không

Dự thảo cũng cho phép HĐND thành phố Hà Nội được “Quy định mức thu phí, lệ phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 02 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với các khoản thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải nhằm đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông.”

Nhiều đại biểu tán thành với quy định của Dự thảo Luật và cho rằng với những đặc thù của Thủ đô Hà Nội so với các địa phương khác về tốc độ đô thị hóa diễn ra, mật độ dân cư, lưu lượng người tham gia giao thông tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập gây ra nạn ách tắc giao thông, sự xuống cấp của cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường … thì trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, giao thông vận tải cần được đầu tư nhiều hơn, với kinh phí cao hơn. Do đó, việc quy định như Dự thảo Luật là phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiện Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo cần phân biệt rõ hơn nữa khái niệm giữa phí và lệ phí, ông cho rằng Hà Nội có thể tăng phí, nhưng lệ phí cần phải cân nhắc hơn vì lệ phí là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ, mức thu được ấn định trước cho từng công việc ví dụ lệ phí công chứng, chứng thực, đăng ký khai sinh,… nên cùng một loại dịch vụ mà người dân ở nội thành Hà Nội phải trả lệ phí cao gấp hai lần so với người dân ở địa phương khác là không hợp lý.

Nhìn một cách khác, ông Nguyễn Văn Giàu Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lại cho rằng Thủ đô Hà Nội còn có cán bộ hưu trí, cán bộ công chức, nhân dân lao động,… thực tế cho thấy đó là những đối tượng có thu nhập thấp vì vậy Dự thảo Luật nên cân nhắc điều tiết việc thu phí giữa các đối tượng sao cho hài hòa không gây tác động mạnh đến xã hội.


Ưu tiên Hà Nội sử dụng nguồn vốn ODA đã là đúng?

Một trong những điều kiện hết sức quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại theo đúng các định hướng lớn đã đề ra trong Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị là cần phải có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp. Trong tinh thần đó, Dự thảo Luật đưa ra một số cơ chế, chính sách mang tính đặc thù cho Thủ đô. Cụ thể, giao Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng ưu đãi cho Thủ đô trên cơ sở các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định.

Tuy nhiên, Đại biểu Ksor Phước Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng, nếu cơ chế chính sách tài chính quy định như trong Dự thảo thì khi có nguồn vốn ODA thì Hà Nội là Thành phố sẽ được xét ưu tiên đầu tiên để sử dụng những nguồn vốn ưu đãi này, trong khi đó những tỉnh nghèo khác cũng cần thu hút vốn ODA để phát triển kinh tế vùng miền, rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh, thành phố lớn khác vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về vấn đề này.

Một điểm đáng chú ý khác là Dự thảo cho phép UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao. Nhưng ông Nguyễn Văn Hiện Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp cho rằng “nếu như triển khai thực hiện theo đúng tinh thần của Dự án Luật thì phải chăng chúng ta sẽ có 2 loại giáo trình một là dành cho Hà Nội và hai là dành cho các tỉnh khác, cũng như sẽ có 2 loại trường phổ thông và mầm non vậy nội dung thi cử thì sẽ căn cứ vào chuẩn giáo trình nào, thi cử sẽ ra sao? Hơn nữa, học sinh cũng có quyền bình đẳng được truyền đạt kiến thức như nhau quy định như vậy có hợp lý?”

Quang Vững
Nguồn: www.thanhtravietnam.vn