SCB “thần cơ diệu toán” hay… xé rào – Lãi suất huy động có thể lên đến 15%/năm?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sáng 14/4/2008, Thanh tra NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM kết thúc buổi làm việc 2 ngày qua với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Văn bản không hề ghi bất cứ dòng nào kết luận việc làm của SCB là sai hay đúng.

Mới đây ngày 07/4 khi SCB chính thức phát hành kỳ phiếu, trong hệ thống các ngân hàng có nổi lên một số ý kiến phản đối. Có ngân hàng cho rằng đồng nghiệp SCB chơi không đẹp, không những phạm luật chơi chung là thỏa thuận với Hiệp hội ngân hàng VNBA, mà còn vi phạm luật của Nhà nước là công điện 02. Tuy nhiên cũng có nhiều ngân hàng ủng hộ việc SCB đi trước để mở đường cho việc dỡ bỏ rào cản thắt chặt kinh doanh tiền tệ.

Trước đó ngày 05/3, SCB có văn bản trình Bộ Công thương xin phép phát hành kỳ phiếu với tổng số huy động 3.000 tỷ đồng. Có 2 loại kỳ phiếu là 270 ngày và 360 ngày, lãi suất 1%/tháng và có khuyến mãi. Ngày 12/3 Vụ Chính sách Tiền tệ có văn bản trả lời đồng ý. Trong văn bản trả lời và đồng ý cho phát hành kỳ phiếu, Vụ chính sách Tiền tệ không hề có ý kiến về lãi suất.

Tranh cãi đã khiến Thanh tra ngân hàng Nhà nước buộc phải vào cuộc. Thế nhưng ngay chính trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ lại có đề nghị dỡ bỏ trần lãi suất. Từ một chỗ bị cho là xé rào, phá luật, SCB đã phải được công nhận là người đi tiên phong trong việc phá bỏ quy định đã thắt chặt các ngân hàng thời gian vừa qua.
 
Lãi suất sẽ tự điều tiết

“Bỏ trần lãi suất huy động là một cái nhìn sáng suốt của Chính phủ. Chứng tỏ Chính phủ đang nỗ lực điều hành nền kinh tế theo quy luật, chứ không muốn mệnh lệnh hành chính” – ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc NHTMCP An Bình (ABBank), nhận định.

Tổng Giám đốc ABBank nói rằng chủ trương này đã trả lại cho lĩnh vực tài chính tiền tệ trở về với bản chất thị trường. Và đây là dịp mở ra cho các ngân hàng huy động được vốn, giải quyết tình trạng khó khăn do chính sách tiền tệ bị thắt chặt thời gian qua.

“Theo thông lệ, cách tốt nhất chống lạm phát là hút tiền trong dân về, và LS là công cụ tốt nhất. Chủ trương này là phù hợp với quy luật. Vấn đề còn lại là Chính phủ tính toán và dự báo con số lạm phát như thế nào để người dân gửi tiền vào NH” – ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), nói.

Theo dự đoán của các NH, với việc Chính phủ yêu cầu ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ trần lãi suất lần này, các ngân hàng có thể huy động lên đến 15%/năm.

Đặt vấn đề về lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất tín dụng cao sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp đi vay, ông Phạm Anh Dũng cho rằng hiện nay bài toán vốn cho vay là quan trọng, chứ không phải lãi suất. Với những quy định thắt chặt như vừa qua, người dân rút tiền về và mua vàng. Như vậy, dự trữ bắt buộc bị giảm xuống, và đó không phải là yếu tố tốt cho công tác quản lý của ngân hàng Nhà nước.

Công điện 02 và thỏa thuận VNBA: có mâu thuẫn với chống lạm phát?
 
Theo ý kiến của khá nhiều NH thương mại, công điện 02 đã bình ổn được cuộc chạy đua lãi suất giữa các NH, tuy nhiên bên cạnh đó còn thể hiện khá nhiều điểm không chắc chắn.

Về việc thực hiện, có thể nói công điện là khẩn, phải thực hiện ngay, nhưng với 02 phải 2 ngày sau mới được thực hiện. Trong thời gian đó một số ngân hàng tiếp tục tăng LS, và gây ra một sự xáo trộn khá mạnh.

Theo các NHTM, quy định lãi suất trần 12%/năm là một quy định lỏng lẻo, bởi không rõ kỳ hạn nào. Theo ông Dũng, kỳ hạn càng dài thì tích lũy lãi suất càng cao. Đồng thời, quy định này cũng không rõ là lãi suất thực hay danh nghĩa, vì nếu lãi suất 1%/tháng thì lãi suất một năm sẽ trên 12%.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố mà các NH chỉ ra là, quy định lãi suất 12%/năm của 02 hoặc thỏa thuận 11%/năm của VNBA đã đi ngược lại chủ trương hút tiền chống lạm phát. Khi có quy định về trần huy động này, con số lãi suất bị thực âm, khiến người dân đã rút tiền từ NH về và cất trữ vàng. TGĐ một NHTM ở TP.HCM cho biết, chỉ trong 5 ngày từ 02 đến 07/3, ngân hàng này đã bị rút 600 tỷ đồng, một con số tăng đột ngột.

Một yếu tố để chứng minh là cuối năm 2007, các NH trên cả nước đạt được phong độ tốt nhất, ở các yếu tố: có quy mô vốn lớn, quy mô và tầm hoạt động rộng lớn, lãi suất cao, nợ xấu và rủi ro thấp. Thế nhưng bước sang đầu 2008, hầu hết các NH rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Ngoài lạm phát, các chính sách thắt chặt tiền tệ là yếu tố đã có tác động trực tiếp.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamnet