Sẽ chi trên 28.000 tỉ đồng để tăng lương
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều chuyển biến tốt hơn

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 10 tháng năm 2007, toàn ngành tài chính đã thực hiện thu ngân sách đạt 229.330 tỉ đồng (bằng 81,4% dự toán), phấn đấu cả năm 2007 đạt 287.900 tỉ đồng (tăng 6.000 tỉ đồng so với dự toán), tăng 11,6% so thực hiện năm 2006.

Về thực hiện dự toán chi NSNN 357.400 tỉ đồng cho năm 2007, thì 10 tháng đầu năm toàn ngành Tài chính đã chi được 280.700 tỉ đồng (bằng 78,5% so với dự toán) cho các hoạt động đầu tư phát triển, phát triển các sự nghiệp giáo dục – đào tạo – dạy nghề, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng an ninh…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, công tác phân bổ, giao nhiệm vụ NSNN năm 2007 vẫn còn chậm; hiện tượng điều chỉnh cơ cấu chi so với thông báo của cấp có thẩm quyền (giảm chi đầu tư phát triển để chuyển cho chi thường xuyên) vẫn xảy ra ở nhiều Bộ ngành và địa phương.

Đặc biệt, một số nhiệm vụ chi chưa bố trí được nguồn để xử lý như: chi bù lỗ dầu năm 2007 dự kiến 10.000 tỉ đồng, chi hoàn thuế VAT 6.500 tỉ đồng, chi cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi của Nhà nước khoảng 2.200 tỉ đồng.

Thêm vào đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm, tính đến hết tháng 11/1007, vốn xây dựng cơ bản tập trung giải ngân ước đạt 53.130 tỉ đồng, đạt 55,8% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ở mức thấp hơn, đạt 40,5% kế hoạch.

Đánh giá tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2008 sẽ có chuyển biến tốt hơn vì có nhiều tín hiệu đáng mừng. Đó là môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp thứ 91 (tăng 3 bậc so với năm 2007).

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã cải cách được 413 thủ tục, riêng năm 2007 cải cách hơn 200 thủ tục. Trong 10 tiêu chí xác định thứ bậc, có 3 tiêu chí Việt Nam chưa tiến lên mạnh mẽ là thủ tục thu thuế (xếp thứ 128/178); giải thể doanh nghiệp (121/178); bảo vệ nhà đầu tư (165/178)…

“Nếu cải cách được 3 tiêu chí trên, Việt Nam có thể sẽ vươn lên hàng thứ 30-40 trong bảng xếp hạng, là việc nằm trong tầm tay, vì trước đây tự chúng ta làm khó chúng ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2008, chấm dứt bù lỗ cho dầu

Năm 2008 được xem là năm bản lề có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010, với dự toán thu cân đối NSNN tương đương 323.000 tỉ đồng (tăng 12,2% so ước thực hiện năm 2007), đạt tỉ lệ động viên 24,1% GDP.

Với nhiệm vụ tài chính và dự toán NSNN năm 2008, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh tăng lương, phát triển nguồn nhân lực và giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo đó, sẽ chi 208.850 tỉ đồng NSNN cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng… Cụ thể, lĩnh vực giáo dục- đào tạo- dạy nghề tăng 5,7% so năm 2007 (đạt 20% tổng chi NSNN); y tế tăng 9% để tăng đầu tư cơ sở vật chất, tăng kinh phí phòng, chữa bệnh, nâng mức khám chữa bệnh người nghèo từ mức 80.000 đồng/người/năm lên 130.000 đồng/người/năm, nâng mức khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 108.000 đồng/người/năm lên 130.000 đồng/người/năm.

Cũng theo kế hoạch NSNN năm 2008, Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu lên mức 540.000 đồng/tháng và thực hiện từ 1/1/2008, với nguồn chi NSNN cho hoạt động này là 28.400 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ dự phòng ngân sách 10.700 tỉ đồng (xấp xỉ 2,7% tổng chi NSNN) để phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh, đồng thời bù lỗ cho mặt hàng xăng dầu.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp lại tình hình, vướng mắc để báo cáo Thủ tướng. Năm 2008, Chính phủ sẽ không tiếp tục bù lỗ dầu nữa, khoản tiền này sẽ dành cho việc khác, doanh nghiệp sẽ được tự tính toán để cạnh tranh, có lãi. Năm 2008, cái gì không đáng bao cấp thì phải bỏ.
 
Nguồn: Báo Dân trí