Sẽ có mặt bằng lãi suất đô la mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo vị chuyên gia này, lãi suất đô la sẽ được điều chỉnh theo hướng không chênh lệch bao nhiêu so với lãi suất đồng Việt Nam nhằm tránh sự dịch chuyển vốn gây mất cân đối.

Mới đây nhất, ngày 17-3, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) đã công bố triển khai chương trình “Tiết kiệm cho triệu phú” dành cho các khách hàng gửi tiết kiệm bằng đô la Mỹ. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm bằng đô la sẽ được tặng quà là vàng 9999 hoặc được tặng tiền mặt bằng đúng 1%/năm lãi suất.

Như vậy, nếu quy đổi trị giá quà tặng ra lãi suất và so sánh với biểu lãi suất hiện hành thì lãi suất dành cho khách hàng khi gửi đô la trong chương trình “Tiết kiệm cho triệu phú” sẽ cao hơn khoảng 0,25%/năm. Bên cạnh đó, biểu lãi suất thông thường cho đô la của Seabank hiện cũng đang ở mức dẫn đầu thị trường, trong đó lãi suất cao nhất lên tới 6,9%/năm, kỳ hạn 13 tháng.

Không chỉ Seabank, nhiều ngân hàng trước đó như VIB, ACB… cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động đô la để hút nguồn vốn ngoại tệ này về. “Nếu lấy tiền đồng ra để mua ngoại tệ thì ngân hàng chúng tôi lỗ ngay rất nhiều. Trong khi đó, nếu hút được nguồn vốn này về bằng huy động tiền gửi để cho vay thì sẽ đỡ hơn”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết.

Hiện tại, lãi suất huy động đô la của các ngân hàng xê dịch ở mức trên dưới 6%/năm, mức cao nhất từ trước đến nay. Nhiều chuyên gia cho rằng với xu thế như hiện nay thì ngưỡng này sẽ dễ dàng bị vượt qua trong thời gian không xa.

Thế nhưng, với mặt bằng lãi suất đồng Việt Nam hiện ở mức 12%, thì mức lãi suất hấp dẫn của đô la mà các ngân hàng lần lượt đưa ra vẫn chưa đủ sức giữ các khách hàng không rút ngoại tệ về để chuyển sang gửi đồng Việt Nam.

“Tâm lý khách hàng là thấy lãi suất đồng Việt Nam cao hơn, trong khi xu thế mất giá của đồng đô la Mỹ là rõ ràng. Tuy nhiên, nếu tính kỹ, trừ đi mức tăng giá do lạm phát thì mức lãi suất 12% cũng chưa hẳn đã lợi”, một chuyên gia giải thích.

Theo các ngân hàng, sau khi đã trích dự trữ bắt buộc và mua tín phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì vốn khả dụng của các ngân hàng tuy không khó khăn như dịp trước và sau Tết Nguyên đán nhưng cũng không được dư thừa như năm trước (vốn khả dụng toàn hệ thống khoảng 14.000 tỉ đồng). Thế nhưng, nguồn vốn ngoại tệ lại đang dư cung lớn do tỷ giá giữa thị trường bên ngoài và ngân hàng có sự chênh lệch. Mặt khác, NHNN lại không xuất tiền ra để mua ngoại tệ cho các ngân hàng vì nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.

Trong 2 tháng đầu năm nay, dòng vốn từ nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam làm dư cung ngoại tệ trên thị trường. Theo thống kê cán cân thanh toán, tổng luồng vốn và kiều hối đạt gần 3,7 tỉ đô la, tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm 2007 đồng thời các ngân hàng thương mại (NHTM) rút tiền gửi ở nước ngoài về và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vẫn tiếp tục chuyển đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam để đầu tư đã làm dư cung ngoại tệ khá lớn, đồng thời tăng giá đồng Việt Nam.

Các chuyên gia tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam đã tăng giá khoảng 0,91%, chủ yếu là do sức ép dư cung ngoại tệ trên thị trường. Mặc dù NHNN đã mua 1,5 tỉ đô la và dự kiến sẽ mua khoảng 2 tỉ đô la trong quý 1-2008 để tăng dự trữ ngoại hối và mở rộng biên độ tỷ giá mua, bán ngoại tệ của các NHTM so với tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng lên +/-1% nên tỷ giá giao dịch của các NHTM cũng được điều chỉnh theo hướng đô la mất giá hơn so với đồng Việt Nam. Tuy nhiên, mức mất giá này vẫn thấp hơn mức mất giá của đô la so với các loại ngoại tệ khác (euro 6,33%, bảng Anh 2,14%, yên 10,09%…)

Tổng nguồn ngoại tệ của các NHTM đang dư thừa, nhưng cho vay bằng ngoại tệ chỉ mới chiếm 63%. Thế nhưng, có một thực tế là dư nợ cho vay bằng ngoại tệ lại tương ứng với vốn huy động bằng ngoại tệ từ tổ chức kinh tế và dân cư ở trong nước nên việc thanh toán tiền gửi bằng ngoại tệ dựa vào nguồn khác dẫn đến nguy cơ rủi ro thanh khoản về ngoại tệ (các NHTM hiện đang huy động vốn ngoại tệ từ 13 loại nguồn khác nhau từ trong và ngoài nước).

Chính những điều này đã dẫn đến một nghịch lý, doanh nghiệp cần ngoại tệ để thanh toán xuất nhập khẩu hoặc kinh doanh thì không tiếp cận được với nguồn vốn này từ NHTM, trong khi đó NHNN lại đang phải lo thực thi nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát lạm phát nên không tung tiền ra để mua đô la.

Và như vậy, chiều hướng lãi suất huy động đô la vẫn tiếp tục được đẩy lên cao và dự đoán sẽ chưa dừng lại. Đây cũng là cơ hội cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài chuyển ngoại tệ sang gửi tại Việt Nam để hưởng lãi suất cao hơn. Nhìn ở mặt khác, xu hướng này lại làm không ít người băn khoăn, liệu NHNN có phải ra một văn bản tương tự như Công điện số 02 trước đó để ổn định mặt bằng lãi suất đô la?

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online