Sẽ dạy phòng chống tham nhũng từ tiểu học?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Môn học chính hay lồng ghép?

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Ngọc Tản cho biết, qua trao đổi với một số trường ĐH, thấy có 2 luồng ý kiến trái chiều rõ rệt. Nhiều trường đề nghị đưa nội dung phòng, chống tham nhũng là một môn học mới thuộc chương trình đào tạo “cứng”. Tuy nhiên, không nên quy định thành môn học riêng mà có thể lồng ghép vào các môn lý luận cơ bản như Triết học Mác – Lê nin, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng…

Phó Trưởng ban Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải băn khoăn, “trong quy định của Chính phủ thì giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì và phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính thực hiện. Nhưng xuyên suốt dự thảo đề án thì các nội dung đều giao hết cho các bộ, còn Thanh tra Chính phủ chỉ phối hợp?!”.

Theo ông Khải, để nội dung triển khai hiệu quả, đề án soạn thảo phải phân định rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc giáo dục, quản lý HS, SV. Tương tự, trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu, khi nội dung này chính thức được đưa vào chương trình chính khóa thì mức đầu tư cho đào tạo là bao nhiêu.

Cụ thể, phải có sự khảo sát kỹ tình hình từng trường học cụ thể về điều kiện thích ứng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên…, tránh tình trạng vừa làm vừa “chắp vá” mà hiệu quả không cao.

Bắt đầu từ tiểu học?

Một nội dung được bàn thảo sôi nổi là đưa nội dung phòng, chống tham nhũng bắt đầu từ cấp học nào, đối tượng nào…  .

“Đặt vấn đề giảng dạy từ bậc tiểu học là vô lý” – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Trường ĐH Phương Đông) Nguyễn Hữu Trí bày tỏ: “Ở đối tượng này, các cháu còn nhỏ, chưa thể tiếp thu,  giải thích vòng sẽ mất thời gian, hiệu quả chẳng tới đâu”.

Mặt khác, đây là vấn đề phức tạp liên quan đến chương trình, giáo trình, giảng viên và phương pháp giảng dạy… nên không thể đưa tràn lan được”.

Theo ông, trước hết nên bắt đầu từ công chức nhà nước. Không nhất thiết phải quy định môn riêng mà nên lồng ghép vào quy định “Những điều công chức không được làm”.

Ở bậc ĐH, Bộ GD-ĐT ban hành khung chương trình để các trường có cơ sở xây dựng giáo trình giảng dạy phù hợp. Khi đào tạo theo tín chỉ, phải giảm tải chương trình đào tạo, đưa thêm nội dung sẽ rất khó.

Ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trước mắt, nội dung này sẽ được triển khai ở cán bộ công nhân viên chức trong hệ thống nhà nước, tiếp đến là các trường ĐH, CĐ, TCCN và trường phổ thông. Đối với bậc tiểu học thì chưa thực hiện vì các cháu còn quá nhỏ.

Nhưng Hiệu trưởng Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm Nguyễn Thị Hiền lại cho rằng, tất cả những hành vi đạo đức đều hình thành từ tiểu học và các em đủ thông minh để cảm thụ những tấm gương, những hành động có văn hóa… Bởi vậy, bà không đồng tình với những ý kiến cho rằng các em còn nhỏ, chưa thể cảm thụ được.

Với bậc học này, có thể lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng trong những tiết đạo đức để các cháu tiếp thu dần dần.

Nên viết lại đề án…

Ông Nguyễn Huy Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện thời lượng của các học phần trong chương trình khung do Bộ ban hành chiếm khoảng 75% tổng thời lượng của một khóa học.

Để bắt buộc, có thể đưa thẳng vào chương trình khung của các ngành. Hoặc, Bộ không quy định cứng trong chương trình khung nhưng hiệu trưởng  tự chọn nội dung trong số 25% tự xây dựng.

Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Công an) Phan Tuấn Bình thẳng thắn, đề án phải soạn thảo lại. Vì “nội dung đưa ra rất chung chung về lộ trình thực hiện, đối tượng triển khai thí điểm và đại trà, nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan, kinh phí”.

Theo ông Bình, cần xác định rõ là đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào đào tạo hay bồi dưỡng? Đào tạo liên quan đến cấp bằng, còn các khóa bồi dưỡng thường chỉ kéo dài vài ngày.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận, chương trình đào tạo càng tách nhỏ phù hợp với từng bậc học, vùng miền… thì hiệu quả càng cao. Thậm chí, có thể lập các nhóm công tác khảo sát thực tế về công tác phòng, chống tham nhũng (!)

Số đông đại biểu còn đề xuất làm rõ kinh phí đào tạo từ khi làm đề án. “Cần tính toán, khi hết tài trợ thì lấy kinh phí đâu để duy trì cho giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên? Thực tế, đã thiếu giáo viên rồi mà đưa thêm nội dung này vào giảng dạy thì kiếm đâu ra người dạy?”, ông Nguyễn Hữu Trí ưu tư.

Theo VNN