Sẽ quản lý hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khác với chào bán ra công chúng, việc chào bán cổ phần riêng lẻ sẽ đơn giản về thủ tục, tránh được các điều kiện, quy định khắt khe của pháp luật, nhất là các quy định pháp quy của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, chứng khoán.

Luật Doanh nghiệp 2005 có đề cập đến việc chào bán cổ phần riêng lẻ nhưng không cụ thể mà giao cho Chính phủ quy định (điều 87), trong khi đó Luật Chứng khoán 2006 mới chỉ giải quyết được hoạt động chào bán cổ phần rộng rãi ra công chúng. Vì vậy, vừa qua Bộ Tài chính đã có dự thảo Nghị định quy định hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ, với 7 chương, 27 điều. Một số nội dung cụ thể như sau:

Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Để nhất quán trong cách hiểu, tại khoản 4, điều 3, dự thảo đã đưa ra khái niệm “Chào bán cổ phần riêng lẻ” là việc doanh nghiệp chào bán cổ phần trực tiếp cho: (i) Các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; hoặc (ii) Dưới 100 nhà đầu tư không phải tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; hoặc (iii) Cổ đông hiện hữu của tổ chức phát hành (không phân biệt số lượng) kèm theo hạn chế thời gian chuyển nhượng tối thiểu là một năm.

Và bằng phương pháp loại trừ, dự thảo cũng đã xác định cụ thể đối tượng nào được coi là chuyên nghiệp (khoản 11, điều 6, Luật Chứng khoán 2006).

Thực sự đây là những quy định không mấy khả thi trên thực tế khi mà việc công bố thông tin, chế độ báo cáo và kiểm soát các báo cáo (tính minh bạch) của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn nhiều việc phải bàn.

Tại điều 2, dự thảo xác định đối tượng doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phần riêng lẻ, bao gồm: (i) Doanh nghiệp thành lập mới dưới hình thức công ty cổ phần; (ii) Các doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần (trừ doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa); (iii) Công ty cổ phần bao gồm cả công ty cổ phần đại chúng có hoạt động phát hành riêng lẻ.

Khi áp dụng, điều 3 dự thảo quy định đối với hoạt động phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ quy định của Nghị định về phát hành cổ phần riêng lẻ và các quy định khác của pháp luật chuyên ngành. (Ví dụ: các Tổ chức tín dụng phải tuân theo cả Nghị định về phát hành cổ phần riêng lẻ và pháp luật các tổ chức tín dụng về chào bán cổ phần riêng lẻ).

Điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ

Để chào bán được cổ phần riêng lẻ, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện và có hồ sơ (điều 8 đến Điều 9). Về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ, dự thảo quy định chủ thể chào bán phải thuộc đối tượng được phép chào bán cổ phần riêng lẻ quy định tại điều 2 dự thảo, có phương án phát hành và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành, có hồ sơ đăng ký phát hành theo quy định.

Để đảm bảo nguyên tắc quản trị công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông nhỏ, dự thảo quy định trong trường hợp chào bán riêng lẻ cho các đối tác chiến lược, chào bán cho người lao động, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát trong doanh nghiệp, nếu họ đồng thời là cổ đông hiện hữu, thì những người này và người có liên quan với mình sẽ không được quyền biểu quyết.

Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện như đã nêu trên còn phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại pháp luật chuyên ngành.

Nghĩa vụ của tổ chức phát hành cổ phần riêng lẻ

Nghĩa vụ của tổ chức phát hành cổ phần riêng lẻ được quy định từ điều 10 đến điều 12 dự thảo. Nếu như hiện nay việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước nào, thì trong dự thảo, hoạt động này được đưa vào diện quản lý với sự tham gia của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với từng trường hợp cụ thể (Chương II dự thảo).

Về nghĩa vụ của tổ chức phát hành khi thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, dự thảo quy định tổ chức phát hành không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, phải thông báo việc chào bán riêng lẻ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện chào bán riêng lẻ. Sau khi hoàn thành việc chào bán, tổ chức phát hành có nghĩa vụ công bố báo cáo kết quả phát hành.

Trường hợp tổ chức phát hành là công ty đại chúng, ngoài các nghĩa vụ này còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán. Dự thảo quy định sau khi phát hành riêng lẻ, nếu tổ chức phát hành đáp ứng điều kiện trở thành công ty đại chúng thì phải đăng ký công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán.

Về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ, dự thảo Nghị định quy định trường hợp tổ chức phát hành quy định thời hạn nắm giữ cổ phiếu tối thiểu đối với nhà đầu tư riêng lẻ, thời hạn nắm giữ tối thiểu này phải được công bố rõ trong Bản công bố thông tin phát hành riêng lẻ và tổ chức phát hành không được chứng nhận chuyển nhượng trong thời gian hạn chế chuyển nhượng. Tổ chức phát hành có số cổ đông dưới 100 có thể chứng nhận chuyển nhượng cổ phần để tạo ra số cổ đông của công ty từ 100 cổ đông trở lên trong trường hợp tổ chức phát hành có đủ điều kiện khác để đăng ký trở thành công ty đại chúng theo quy định tại điều 25 và điều 26 Luật Chứng khoán.

Vi phạm và xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo

Đây là một vấn đề rất lớn và được quy định từ điều 13 đến điều 23 dự thảo với việc xác định về nguyên tắc xử lý vi phạm, các hình thức xử phạt, thời hiệu xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Hiện nay, vấn đề xử lý vi phạm quy định khi chào bán chứng khoán mới dừng lại ở chào bán ra công chúng (Nghị định số 36/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán).

Theo quy định tại dự thảo, các hành vi vi phạm gồm: vi phạm quy định về hồ sơ, điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, vi phạm quy định về thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ, vi phạm quy định về báo cáo và công bố thông tin, vi phạm quy định về chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ, vi phạm quy định về quản trị công ty và xử lý đối với hành vi chống đối người thi hành công vụ trong hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Mức xử phạt được quy định tương ứng với từng hành vi vi phạm, trong đó mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng. Dự thảo cũng quy định hai điều (điều 24 và điều 25) về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo; về bồi thường thiệt hại.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online