Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Kinh tế nhận định, việc đề xuất xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực còn bất cập, chưa kịp thời; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Có thể nói, thời gian qua, công tác xây dựng thể chế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ trên các lĩnh vực để phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật vẫn còn những bất cập; cụ thể như tình trạng chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng tiến độ, phải lùi thời gian hoặc chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Đơn cử như các dự án: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Ngoài ra, một tồn tại được ví như “bệnh mãn tính”, đó là tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đơn cử như Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 dù đã được Quốc hội thông qua ngày 17.6.2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2021, nhưng cho đến ngày 31.12.2020, Chính phủ vẫn chưa ban hành được Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Theo đó, để bảo đảm thực hiện Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải ban hành Văn bản số 8909/BKHĐT-PC ngày 31.12.2020, trong đó, hướng dẫn thực hiện và quy định một số nội dung như: Hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ban hành các mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư…

“Điểm nghẽn” trong xây dựng pháp luật không chỉ là “xin lùi”, “xin rút” khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà còn là tình trạng “nợ đọng” văn bản. Hạn chế có tính chất nhiệm kỳ này, được đại biểu nhiều khóa lên tiếng nhưng vẫn tiếp tục tái diễn. Điều đó cho thấy, kỷ luật, kỷ cương lập pháp chưa nghiêm. Chính sự chậm trễ văn bản hướng dẫn đã làm cho các quy định của luật bị “treo”. Đó là chưa kể, có nội dung chuyển tiếp trong một số văn bản chưa được quy định đầy đủ, chặt chẽ, dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp khi thực thi. Một số chính sách được đề xuất khi triển khai thực hiện còn gặp vướng mắc, trong đó, có những vướng mắc phát sinh từ chính việc chậm trễ trong tổ chức thực hiện. Chính khoảng “trống”, khoảng vướng pháp luật này đã làm cho luật chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội. Những tồn tại, hạn chế này, cơ quan trình các dự án luật phải hết sức lưu ý, tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để không tái diễn.

Phát biểu tại Lễ công bố và trao Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác cán bộ tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Trong thẩm tra, giám sát, các cơ quan của Quốc hội phải đánh giá đúng, trúng tình hình thực tế; việc làm tốt phải ghi nhận, nhân lên; việc nào chưa làm tốt phải chỉ rõ, trên tinh thần xây dựng vì sự phát triển chung của đất nước. Chúng ta là cơ quan lập pháp, nếu để hệ thống pháp luật có tuổi thọ ngắn, thiếu ổn định, chưa phục vụ cho cuộc sống, chưa kiến tạo động lực phát triển bền vững của đất nước là chưa đạt yêu cầu”.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và sức sống lâu bền của các đạo luật trách nhiệm không chỉ ở cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình các dự án Luật mà còn là trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Đồng tình hay “bác” các dự án Luật chưa bảo đảm chất lượng là quyền, trách nhiệm của các đại biểu, của Quốc hội. Quốc hội và Chính phủ cùng đồng hành, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và xã hội về chất lượng các đạo luật bởi cơ chế trách nhiệm và kỷ luật, kỷ cương lập pháp.