Siết chặt việc cấp giấy đi đường 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Có muôn kiểu chống chế, bao biện cho việc không thuộc các nhóm đối tượng được phép nhưng vẫn ra đường; đi kèm với đó là rất nhiều giấy đi đường được cấp sai, cấp khống, không đúng quy định gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và kéo theo một số vấn đề phức tạp về pháp lý.

Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng tại các địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp giấy đi đường được cấp sai mục đích, sai đối tượng. Điển hình là giấy không có thời hạn, cấp giấy xác nhận tập thể cho cả một nhóm người, sử dụng giấy xác nhận công tác của một công ty đã giải thể, cấp tràn làn cho những người quen biết, ký sẵn cho mọi người tự điền thông tin của mình vào… Thế nên, không ngạc nhiên khi tại một số địa phương dù đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng phương tiện hoạt động đông như chưa hề giãn cách xã hội.

Hồi đầu tháng 8, tại Đà Nẵng, chỉ trong một tuần lập tổ tuần tra kiểm soát, kiểm tra, các chốt kiểm soát tịch thu hơn 1.500 giấy đi đường ký, cấp khống, cấp sai mục đích, đối tượng… Một hợp tác xã kinh doanh vận tải ở thành phố này (đơn vị cấp) đã bị phạt hành chính 15 triệu đồng và người được cấp bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng khi lực lượng chức năng phát hiện người này có tới 7 “giấy đi đường” không ghi tên người được cấp. Tại Nghệ An, trước tình trạng một số đơn vị cấp giấy đi đường tràn lan cho cả người không làm nhiệm vụ, công việc thiết yếu, Công an tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo làm rõ việc cấp giấy đi đường sai đối tượng.

Rõ ràng, người sử dụng giấy đi đường không đúng đối tượng được phép, có thể bị xử phạt hành chính thì đơn vị cấp “giấy thông hành” cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Bởi điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, việc khoanh vùng và truy vết dịch tễ thêm khó khăn, phải kéo dài thời gian phải giãn cách xã hội. Trong lúc này, chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Vì vậy, một trong những biện pháp cần ưu tiên là phải kiểm soát chặt chẽ người tham gia giao thông để tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Để siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường, mới đây Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn cấp giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, bảo đảm đúng đối tượng và quy định của thành phố. Các đơn vị phịu trách nhiệm trước chính quyền thành phố và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. TP. Hồ Chí Minh cũng giao trách nhiệm rất rõ cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc cấp giấy phép đi lại cho người của đơn vị mình và có báo cáo cho Công an TP. Hồ Chí Minh.

Đây là việc cần thiết để tránh tình trạng cấp giấy phép đi lại tràn lan như thời gian qua. Với quy định quy rõ trách nhiệm này, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thể vì các lý do cá nhân mà cấp giấy sai với quy định. Từ đó nâng cao trách nhiệm không chỉ của cá nhân người đứng đầu mà còn là trách nhiệm với cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Có thể nói, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị sẽ quyết định sự thành công đợt giãn cách xã hội lần này.

Siết chặt việc cấp giấy đi đường cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong rất nhiều nhiệm vụ để không lãng phí thời gian giãn cách. Bởi nếu vẫn còn những trường hợp không chấp hành nghiêm quy định thì dịch bệnh càng lâu khống chế, người dân sẽ càng khó khăn, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ càng đình trệ. Phải chấp nhận khó khăn trước mắt, đồng lòng cùng địa phương, cùng Chính phủ để dập dịch, để “trận chiến” này sớm kết thúc.