Siết đầu tư công, chuyển vốn sang dân doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong đầu tư công có ba nhóm chính: đầu tư bằng tiền ngân sách nhà nước chiếm tới gần 50% tổng đầu tư toàn xã hội, tín dụng nhà nước chiếm hơn 9%, số còn lại là đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước. Chủ yếu vốn nhà nước được rót cho các tổng công ty, tập đoàn lớn.

Chỉ tính riêng năm 2007, tổng đầu tư của toàn xã hội là hơn 460.000 tỷ đồng, khu vực nhà nước chiếm gần một nửa. Như vậy nhà nước đang là nhà đầu tư áp đảo, dẫn dắt thị trường, nên nhất cử nhất động của nhà nước đều tác động tới diễn biến của thị trường. Trong bối cảnh lạm phát, ngân hàng nhà nước đã thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ. Nếu Chính phủ lại tiếp tục đầu tư sẽ là rất mâu thuẫn và không đạt được kết quả mong đợi. Vì vậy, chính phủ cắt giảm đầu tư công là một giải pháp đồng bộ kết hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.

Dzíc dzắc thủ tục, kỹ thuật…

Các giải pháp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra đều hợp lý. Tuy nhiên, ở khâu thực hiện có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ta muốn cắt giảm đầu tư công thì phải đánh giá lại hiệu quả của các dự án. Phải thống kê được các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước đã nhận bao nhiêu tiền đầu tư và thu lợi nhuận về được bao nhiêu, đã tạo bao nhiêu công ăn việc làm.

Có thể thống kê là thấy ngay tổng số tiền đầu tư công rót cho các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước mang lại hiệu quả kém. Chính phủ muốn cắt giảm đầu tư công thì cắt giảm ở đâu? Những hạng mục công trình lớn Quốc hội đã phê chuẩn thông qua nay Chính phủ muốn dừng hay cắt giảm thì phải được sự chấp thuận của Quốc hội. Cái thứ hai là ở khâu kỹ thuật. Định nghĩa cho được thế nào là kém hiệu quả. Nhiều công trình đã được thẩm định nhưng cũng còn nhiều công trình không được thẩm định. Đó là chưa nói tới việc đầu tư công của nước ta vẫn chưa tính đến yếu tố lạm phát ở khâu tổ chức các công trình mà mới chỉ tính đến yếu tố trượt giá. Chẳng hạn năm 2007, các công trình xây dựng lớn, vật liệu xây dựng có chỉ số trượt giá cao cũng chỉ khoảng 2%-3% mà lạm phát lên tới 12,6%. Cho nên theo tôi, bây giờ rất khó để đánh giá dự án nào hiệu quả, dự án nào không hiệu quả.

Buộc doanh nghiệp tự siết mình

Chính phủ sẽ cắt giảm đầu tư công nhưng không phải cắt giảm cục bộ. Nên quy định mỗi tổng công ty, tập đoàn phải cắt giảm 20%/tổng giá trị đầu tư nhưng sẽ giao khoán cho họ. Chẳng hạn họ có 10 dự án đầu tư công sẽ để chính họ tự quyết định cắt giảm ba dự án cụ thể. Những dự án được chọn cắt giảm sẽ trình lên Chính phủ xem xét và quyết định. Biện pháp này ngăn chặn các đơn vị lách luật bằng cách chỉ cắt giảm ba dự án nhỏ nhất.

Sau khi cắt giảm đầu tư công, Chính phủ sẽ làm gì với số tiền cắt giảm này? Nên chuyển số tiền đó sang hỗ trợ vốn cho khối tư doanh. Trước đây khối doanh nghiệp nhà nước đã được hưởng nhiều lợi thế nên “lấn lướt” khối tư doanh – chỉ chiếm 35%/tổng đầu tư toàn xã hội. Cho nên nay chính phủ chuyển sang hỗ trợ cho khối doanh nghiệp tư doanh năng động sẽ giúp khối này tái cơ cấu. Việc làm này sẽ giúp chính phủ đạt được hai mục tiêu là vừa giải quyết lạm phát mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Chung Bình, giảng viên Đại Học Harvard

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cấp cao của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP):

Cần rà dự án cảng biển, đường cao tốc…

Từ năm 1999 đến năm 2006, trong tổng cầu vốn đầu tư tại Việt Nam, đầu tư công chiếm hơn phân nửa. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời từ các dự án bằng tiền ngân sách chỉ đạt 3%.

Chính phủ Việt Nam trước tiên cần xem lại các dự án cảng biển, nhà máy điện, đường cao tốc… Tôi chưa thấy công bố tỷ suất sinh lời của các dự án trên. Chính phủ nên cắt giảm ngay lập tức 10 hoặc 20 dự án công thuần túy chỉ mang ý nghĩa về chính trị, chính sách mà ít đem lại giá trị gia tăng và có thể quay lại triển khai tiếp khi nền kinh tế đã ổn định.

BÙI NHƠN ghi

Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Giá thành sẽ thấp hơn thị trường 10%-15%

Các dự án trọng điểm về dầu khí của nhà nước chúng tôi vẫn phải đảm bảo triệt để. Về tham gia bình ổn giá, hiện Đạm Phú Mỹ chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của thị trường. Tập đoàn sẽ tập trung vừa nhập khẩu vừa sản xuất để đảm bảo Đạm Phú Mỹ và các sản phẩm nhập về bán thấp hơn so với giá thị trường 10%-15%.

Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TVN):

96% dự án đầu tư hiệu quả

Chúng tôi đã có những giải pháp chủ động để kiểm soát giá cả và giảm chi phí: đầu tư thay đổi và bổ sung những biến tần khởi động mềm, giúp giảm 10% lượng điện cho các mỏ, sử dụng phụ gia theo công nghệ nano cho dầu diezen nhằm cắt giảm khoảng 10 tấn lượng xăng dầu. Đặc biệt, TVN đã đẩy mạnh khoán chi phí cho các mỏ, các công ty than dù đã cổ phần hóa.

Danh mục đầu tư sẽ được rà soát, tuy nhiên 96% dự án đầu tư là chủ yếu từ than là chuyên ngành của TVN, từ than ra điện, từ than ra hóa chất và đầu tư khai thác khoáng sản, luyện kim. Tất cả những dự án này đều đang rất hiệu quả.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM