Sinh con một bề
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có thể bạn không biết hồng từng là màu đặc trưng cho nam giới.

Xu hướng này chỉ mới thay đổi từ đầu thế kỷ 20 tại phương Tây, khi các nhà tiếp thị gán màu hồng cho sự dịu dàng, nữ tính của phụ nữ. Mục đích chính là để bán hàng.

“Chị tìm đồ cho bé trai hay bé gái?” là câu hỏi đầu tiên tôi thường được nghe khi bước chân vào những cửa hàng trẻ em. Vì nếu là bé trai, nhân viên sẽ tư vấn cho tôi đồ màu xanh da trời hay trung tính. Còn bé gái, thông thường sẽ là hồng. Tôi ít khi mua đồ màu hồng cho con. Đơn giản vì con tôi là bé trai, mà con trai hiếm khi mặc màu hồng.

Trước khi có con, tôi không để ý rằng chúng ta đã tiếp xúc với những khuôn mẫu về giới từ rất sớm. Và chúng phổ biến đến nỗi hầu như không ai thắc mắc.

Khi chơi với các bạn hàng xóm, nếu xảy ra tranh giành hay chẳng may va vào nhau, con tôi thường khóc đầu tiên. Có lúc chỉ cần nghe ai đó nói to hơn bình thường cháu đã mếu. Cậu cũng không quá hiếu động, thích ngồi một chỗ đọc sách, chơi đồ chơi hơn là tham gia hoạt động thể chất nhanh, mạnh. Trong khi đó, một bé gái gần nhà tôi lại thích leo trèo, chạy nhảy. Hàng xóm thường nói con tôi là trai mà mau nước mắt, còn bé gái kia lẽ ra phải là trai mới phải.

Khi con tôi bắt đầu thích đọc sách, tôi dễ dàng nhận ra khuôn mẫu giới trong những cuốn sách trẻ em. Thông thường, nhân vật bé trai trong sách có tính cách mạnh mẽ, thích các hoạt động mạnh như đá bóng, trèo cây. Trong khi đó, các bé gái thường ngồi một chỗ chơi búp bê, vâng lời và chăm làm việc nhà.

Định kiến giới trong sách không chỉ ở Việt Nam, một nghiên cứu về 100 cuốn sách trẻ em phổ biến nhất thế giới năm 2017 do Nielsen thực hiện đã chỉ ra phần lớn nhân vật trong sách dù là người, con vật hay đồ đạc “có giới tính nam”. Một thống kê khác của báo Observer cho thấy số nhân vật chính có giới tính nam gấp đôi số nhân vật nữ và nhân vật nam cũng nhiều lời thoại hơn.

Không chỉ sách thiếu nhi, định kiến giới cũng tồn tại trong sách giáo khoa. Theo báo cáo của UNESCO, trong số 8.300 nhân vật được đề cập trong 76 cuốn sách giáo khoa từ lớp một đến lớp 12 ở Việt Nam, nam giới chiếm 64%, nữ là 24%, còn lại là trung tính.

Đặc biệt, nhân vật nữ thường làm các nghề như nội trợ, giáo viên, nhân viên văn phòng. Còn nghề nghiệp của nam giới đa dạng hơn, ví dụ như bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, công an, bộ đội. Nam giới thường được khắc hoạ là trụ cột trong gia đình và có tiếng nói quyết định.

Những khuôn mẫu giới lâu nay vẫn hiện hữu, đang tác động đến suy nghĩ, thái độ và hành động của nhiều người, thậm chí cả chính sách dân số.

Theo Thông tư 01/2021 mới đây của Bộ Y tế, các cặp vợ chồng sinh hai con một bề và không cam kết sinh thêm con, tuỳ theo từng địa phương, có thể được khen thưởng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế và các hỗ trợ khác. Đây là một biện pháp nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034.

Theo tôi hiểu, chính sách khen thưởng trong thông tư ra đời xuất phát từ hiện tượng: những gia đình đã có hai con gái sẽ muốn sinh thêm với hy vọng có con trai; hoặc cặp vợ chồng đã có hai trai muốn có thêm “công chúa”. Vì thế, nhà quản lý muốn khuyến khích các gia đình có hai con một bề, đặc biệt có hai con gái, không sinh thêm con cho có nếp có tẻ.

Thoạt nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng ngẫm nghĩ, tôi lại khá băn khoăn.

Thứ nhất, sự hỗ trợ này đến đâu và liệu có đủ hấp dẫn để khiến các cặp vợ chồng có con một bề dừng sinh con thứ ba hay không? Mới đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tặng bằng khen và 1,5 triệu đồng cho 22 gia đình có hai con gái.

Động thái này có giúp những gia đình mong muốn có con trai từ bỏ ý định của mình? Hay những gia đình đang hài lòng với việc có hai con gái cảm thấy phấn khởi với tấm giấy khen và 1,5 triệu đồng? Tôi cho rằng khen thưởng chỉ dành cho những người nỗ lực, đạt được thành tích vượt trội hơn số đông. Còn việc có hai con một bề là Trời cho, có lẽ chẳng mấy ai thấy vui hoặc có nhu cầu nhận thưởng.

Đáng chú ý, theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, sự mất cân bằng giới tính khi sinh lại tỷ lệ thuận với điều kiện kinh tế. Tỷ lệ này ở nhóm người giàu nhất là 112,9 bé trai trên 100 bé gái, trong khi ở nhóm nghèo nhất lại là 105,2. Chính vì thế, tôi băn khoăn liệu khen thưởng và hỗ trợ có thực sự giúp giảm tỷ lệ bé trai được sinh ra?

Thứ hai, nguyên nhân gốc rễ của thực trạng mất cân bằng giới tính là tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào xã hội cũng như sự phổ biến và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế giúp chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi. Vì thế, việc đưa ra chính sách thưởng cho các gia đình có hai con một bề chỉ giải quyết phần nổi của tảng băng.

Để điều chỉnh mất cân bằng giới, ta có thể học tập Hàn Quốc. Đây là quốc gia duy nhất ở châu Á đã thành công trong việc đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức tự nhiên, mặc dù đất nước này có tiếng là ưa thích con trai.

Vào đầu những năm 1990, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hàn Quốc là 116,5 bé trai trên 100 bé gái, cao hơn tỷ lệ vào năm 2019 của Việt Nam là 111,5 bé trái trên 100 bé gái. Nhưng đến năm 2016, tỷ lệ của Hàn Quốc chỉ còn 105. Tức họ đã giải quyết mất cân bằng giới tính chỉ sau một thế hệ.

Có thể bạn cho rằng thay đổi này là nhờ tăng trưởng kinh tế thần tốc và nâng cao dân trí ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, một nghiên cứu của tiến sĩ Andrea Den Boer – Đại học Kent và Valerie Hudson – đại học Texas A&M đã chỉ ra Việt Nam cũng đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ tương tự, nhưng tỷ lệ mất cân bằng giới lại không có giấu hiệu cải thiện, thậm chí lại tăng.

Tác giả nghiên cứu cho biết, thành công của Hàn Quốc đến từ việc xử lý vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi rất nghiêm khắc, thay đổi luật lệ để nâng cao vị thế phụ nữ; cải thiện chính sách về gia đình. Ví dụ, cho phép chủ hộ là nữ, các con có thể mang họ mẹ, hỗ trợ nhiều hơn về giáo dục và việc làm cho nữ giới. Bên cạnh đó, họ cũng có những hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức với thông điệp như “Nuôi một con gái lớn lên bằng 10 con trai” hay “Hãy yêu con gái của bạn”.

Gia đình tôi cũng có hai chị em gái, mặc dù bố mẹ tôi từng chịu áp lực có con trai vì bố tôi là con trưởng. Tôi nghĩ giờ đây bố mẹ có thể tự hào vì chị em tôi đều chí thú học hành, không hư hỏng.

Thay vì đánh giá người khác theo những khuôn mẫu giới, thiết kế quy định, chính sách một cách dập khuôn, xã hội sẽ tiến bộ hơn nếu những cá nhân riêng biệt được nhìn nhận với năng lực và hoàn cảnh riêng. Thúc đẩy bình đẳng giới còn là không vô tình ban hành chính sách nghe thiện ý nhưng có thể khiến sự phân cực về giới sâu sắc hơn.

Càng ít khuôn mẫu và không bị chi phối bởi khuôn mẫu, xã hội sẽ dễ sống hơn với tất cả, vì chúng ta đều được chấp nhận và trân trọng như nhau. Và hơn cả, hầu hết những điều quan trọng nhất với mỗi chúng ta đều không phải bởi do ta là nam hay nữ.

Lương Vân Lam