Sinh mệnh gạo ngon
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thử đi một vòng trong siêu thị hay chợ, bạn sẽ thấy nhiều thương hiệu gạo đóng mác ST24, ST25.

Tôi dạo qua các siêu thị, cửa hàng, có nhiều loại gạo ghi “ngon nhất” với bao bì và mẫu mã khác nhau, giá cũng khác nhau. Là người làm trong lĩnh vực nông phẩm, chính tôi cũng không rành rẽ giữa các loại này.

Có người còn nói với tôi chắc nịch: “ST25 trên thị trường toàn giả, không phải gạo ông Cua”.

“Gạo ông Cua” trong nhận thức của người tiêu dùng hôm nay đã là một thương hiệu gắn với tên của người khai sinh giống gạo ST24 và ST25. Nhưng đa số người mua chúng ta không biết có bao nhiêu đơn vị được cấp phép dùng tên thương hiệu này, có bao nhiêu công ty có truy xuất nguồn gốc của hạt gạo được trồng trên vùng đất được xác nhận phù hợp bằng giống ST24, ST25 do giáo sư Cua cung cấp?

Túi gạo chúng ta mua về ăn có ý nghĩa gì khi được gọi là “gạo ngon nhất“? Sự ngon, giá cả và uy tín của nó được bảo đảm đến đâu? Chính các thắc mắc bị bỏ lửng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng với thương hiệu.

Tôi thật sự buồn và có phần cảm thông khi nghe ông Hồ Quang Cua nói rằng ông chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học về giống gạo và “mệt mỏi với chuyện vi phạm bản quyền”. Làm việc với các nhà nông yêu nghề, tôi hiểu tâm lý bối rối và sức ép của dư luận khiến họ mệt mỏi là có thật.

Nhưng, tôi cũng tự hỏi, đằng sau ông Cua là một công ty với đội ngũ điều hành, kinh doanh và pháp chế. Sao họ không làm tất cả những việc liên quan đến giống gạo để ông Cua được tập trung nghiên cứu cho ra đời các giống gạo ngon khác? Và vì thế, khi nhãn hiệu gạo ST25 bị mấy công ty gạo nước ngoài tại Mỹ đăng ký bảo hộ tại thị trường này, tôi không bất ngờ.

Tôi biết sớm muộn gì ngày này cũng xảy ra. Nó không khác nhiều sự việc các nhãn hiệu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột đã bị giành đăng ký bảo hộ thương hiệu ở một số thị trường lớn. Chúng ta đã mất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức mong giành lại, nhưng cho tới giờ, tôi e chưa được. Bởi tôi vẫn chưa thấy các sản phẩm mang thương hiệu nước mắm Phú Quốc hay cà phê Buôn Ma Thuột được bán tại các thị trường thế giới.

Chuyện của gạo ST25 khác với cà phê hay nước mắm – thương hiệu của một vùng đất – vì ST25 là thương hiệu thuộc một doanh nghiệp. Bất cứ công ty kinh doanh nào cũng có thể đăng ký thương hiệu gạo ST25 miễn là chứng minh được họ có quan hệ với giống gạo thông qua việc ký hợp đồng với một đơn vị sản xuất lúa giống ST25 chính thức. Thậm chí, đơn vị này có thể xay xát, đóng gói, đưa ra thị trường hay lấy tên công ty là ST25 nếu trước đó chưa có đơn vị nào được cấp chứng nhận bảo hộ và không có tranh chấp gì trong hiện tại.

Trước tiên, nhìn ở đa số quốc gia, các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình ở các nước.

Tôi đem câu chuyện thương hiệu gạo ST25 trao đổi với đồng nghiệp người Indonesia và Thái Lan. Anh người Indonesia kể câu chuyện về nhà nước mình đã kiện một công ty đa quốc gia để lấy lại thương hiệu cho một nông sản quốc gia. Đồng nghiệp Thái Lan cho biết, gạo Jasmine độc quyền của Thái trên thế giới đang được sở hữu bởi các công ty kinh doanh, xuất khẩu gạo lớn của Thái Lan.

Nhiều công ty Việt Nam, theo quan sát của tôi, không định hướng xuất khẩu cho sản phẩm của mình từ ngày đầu bước vào cuộc chơi. Vì thế, họ gần như bỏ qua khâu xây dựng bộ phận pháp lý am tường luật lệ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm ở các thị trường quốc tế, nhất là các thị trường họ sẽ bán hàng.

Sau này, nếu sản phẩm may mắn vươn ra thị trường thế giới, lúc đó một số công ty mới nghĩ đến việc đăng ký thương hiệu thì đã muộn. Các thương hiệu của họ đã bị công ty, cá nhân khác đăng ký và có thể yêu cầu chính chủ mua lại, thuê lại với giá trên trời.

Nghe qua có vẻ vô lý, nhưng đây lại là quy luật của thị trường. Người đầu cơ thương hiệu thực chất đã đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức cho việc đăng ký thương hiệu này. Họ có thể rủi ro mất trắng khoản đầu tư nhưng cũng có thể có lãi nếu bán lại được. Khó có thể nói họ sai khi hành vi đó được pháp luật chấp thuận.

Nhưng ở một góc độ khác, như nhiều người đang hỏi. Trách nhiệm bảo vệ thương hiệu gạo ngon ST24, ST25 chỉ thuộc về duy nhất công ty Hồ Quang Trí hay còn ở phía các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước?

Trách nhiệm bảo vệ thương hiệu gạo ST24, ST25 đầu tiên thuộc về chính công ty Hồ Quang Trí. Nhưng nếu chúng ta cần giành lại thương hiệu để giành lại niềm tự hào dân tộc cho một sản phẩm nổi tiếng của quốc gia và cũng để giành lại thương hiệu cho việc phát triển xuất khẩu gạo, một mình công ty gia đình của ông Cua có lẽ không đủ sức.

Tôi tin rằng việc gạo ST25 bị “đăng ký giùm” thương hiệu tại Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp sẽ lo lắng và tìm cách đăng ký thương hiệu của mình ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, họ sẽ vấp phải việc không biết phải đăng ký với ai, ở đâu và làm như thế nào.

Các cơ quan quản lý không khó để phổ biến, tư vấn, nâng cao năng lực pháp lý cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ nếu doanh nghiệp thực sự có nhu cầu đăng ký bảo hộ thương hiệu hay khởi kiện các vi phạm bảo hộ thương hiệu để giành lại thương hiệu. Câu chuyện ba nhà, nói mãi, vẫn chỉ cần trong những tình huống thế này.

Tôi vẫn nhấn mạnh rằng sinh mệnh của nông sản đầu tiên phụ thuộc chính doanh nghiệp. Nhưng điều đó không có nghĩa nhà nước chỉ đứng yên.

Trần Ban Hùng