"Sân chơi" thiếu công bằng, DN nội dung số "nội" sẽ chết
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiều 24/11/2011, UBND và Sở TT&TT TP.HCM đã tổ chức buổi góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế nghị định 97/2008/NĐ-CP và Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến. Chủ trì buổi họp là ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM.

Doanh nghiệp nội dung số trong nước đang bị thua thiệt

Cùng kinh doanh trong lĩnh vực Nội dung số tại Việt Nam trên môi trường Internet, thế nhưng đang có một thực tế diễn ra, khiến cho các doanh nghiệp “nội” hoạt động trong lĩnh vực này bị thua thiệt. Đó chính là, các văn bản quản lý hiện nay đều chỉ đưa ra quy định bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lại không bị ảnh hưởng, nếu có hoạt động ở Việt Nam, họ cũng chỉ chịu những quy định việc chấp hành về quảng cáo.

Đó đang là một điều bức xúc cho những người làm nội dung số trong nước hiện nay, bởi các doanh nghiệp nước ngoài thu lợi từ thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam là không hề nhỏ. Theo thống kê, mỗi năm các doanh nghiệp lớn như Google, Yahoo, Facebook, thu được từ quảng cáo tại Viêt Nam là 40 triệu USD, chiếm tới 60% thị phần quảng cáo online, nhưng lại không bị ai quản lý.

Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, đây là một vấn đề không công bằng, với thực trạng này cho thấy ngành Nội dung số và Internet tại Việt Nam rồi cũng sẽ giống ngành Điện tử trước đây, sẽ chết. Vì thế theo ông Lê Hồng Minh, cần có những quy định, chính sách rõ ràng và công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau, để tạo ra một sân chơi công bằng.

Nếu không có sự thay đổi, các doanh nghiệp trong nước sẽ chết, lấy ví dụ ông Minh cho biết, theo dự đoán 3 đến 5 năm nữa, người dân Việt Nam sẽ chỉ tập trung chơi game trên Facebook và các sản phẩm trong nước làm ra sẽ tuyệt chủng. Hiện người dùng Việt Nam chơi game trên Facebook vẫn trả tiền bình thường thông qua hệ thống thanh toán của 3 công ty cung cấp.

Như vậy trong khi các doanh nghiệp trong nước tuân thủ các quy định, 3 năm nữa họ sẽ bị các doanh nghiệp ở nước ngoài chặn lại trong công việc kinh doanh của mình, đây là một điều hoàn toàn có thể dự đoán trước. Chính vì thế các quy định đưa ra cần thực tế, cần phải có sự công bằng, các quy định đưa ra cho doanh nghiệp trong nước đòi hỏi phải đưa ra cho cả doanh nghiệp nước ngoài đang có các sản phẩm hoạt động tại Việt Nam.

Vẫn nóng chuyện quản lý đại lý Internet và game online

Quản lý đại lý Internet và game online, tiếp tục là những vấn đề nóng được mổ xẻ ở lần góp ý lần này tại TPHCM. Theo ông Lâm Vũ Đức, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, Quận Thủ Đức cho biết, hầu hết các đại lý Internet đều vi phạm các quy định đưa ra. Tuy nhiên, công tác kiểm tra của cơ quan chức năng rất khó vì thiếu người, với 315 đại lý Internet trên địa bàn, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được 1 lần/tuần và mỗi lần kiểm tra chỉ được 5 đại lý, cho nên không thể xử lý hết được.

Theo ông Đức, cần có các quy định chặt hơn, đặc biệt trong trò chơi trực tuyến, Bộ TT&TT cần xem xét không cho các trò chơi trực tuyến bạo lực hoạt động, quy định đối với các trò chơi vi phạm 3 lần sẽ phải rút giấy phép… Đồng thời cần phải có sự thống nhất trong quản lý, bởi tại TPHCM game Đột Kích bị chặn vì chứa các yếu tố kích động bạo lực, nhưng tại Bình Dương lại không bị, trong khi địa bàn Thủ Đức và Bình Dương chỉ cách nhau bên này và bên kia đường nên rất khó quản lý.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng cho rằng, phải yêu cầu các doanh nghiệp đóng máy chủ 23 giờ đêm và sau 20 giờ nên cấm học sinh vào các tiệm Internet, các biện pháp xử lý cần phải mạnh hơn nữa.

Về việc cấm học sinh và trẻ em chơi game, ông Lê Hồng Minh khẳng định các doanh nghiệp hoàn toàn đồng ý. Bởi doanh thu từ game của các doanh nghiệp hiện nay 80 – 90% đều từ người trưởng thành, trẻ em chơi game không đóng góp gì, doanh nghiệp cũng không mong muốn trẻ em chơi game. Thực tế hiện nay trẻ em ở nhà đã có cha mẹ quản lý, ở trường đã có thầy cô giáo, còn khi ra đường không nên cho trẻ em vào tiệm Internet, cái này Trung Quốc cũng đã thực hiện.

Với cách làm này sẽ giải quyết được vấn nạn trẻ em cúp cua, nghỉ học đi chơi game. Nếu trẻ em vào tiệm Internet yêu cầu phải có người lớn đi kèm, nếu không có sẽ xử phạt nặng. Với đại lý Internet ông Minh cũng cho rằng địa phương cần phải xử lý nặng, vi phạm 1 lần cảnh cáo, 2 lần đóng cửa, với 315 tiệm nét ở Thủ Đức, thực tế chỉ cần xử phạt 10 tiệm, còn lại sẽ nghiêm nay.

Một vấn đề cũng được ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP đưa ra thảo luận, đó là cần tách đại lý Internet và đại lý game online ra riêng. Theo đó, đại lý Internet không cần đăng ký cấp phép, còn đại lý game là một ngành kinh doanh có điều kiện yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, sự kiểm định về nội dung và đòi hỏi phải có giấy phép hoạt động. Với đại lý game online, trách nhiệm quản lý thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh game, lúc đó doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nếu vi phạm cơ quan quản lý cũng dễ dàng rút giấy phép.

Kết luận buổi góp ý, theo ông Lê Mạnh Hà, vai trò Internet hiện nay là rất quan trọng và cần phải có một sự quản lý thống nhất để đảm bảo một môi trường Internet phát triển và “sạch”. Cần phải tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển và khuyến khích người VN dùng hàng VN, xem sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của thành phố.

Lê Mỹ
Nguồn: ICTnews