Số doanh nghiệp giải thể tiếp tục tăng cao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Tứ, trong 4 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp giải thể ở Hà Nội là 319 doanh nghiệp, có đến 2.348 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế.

Trong khi đó, cùng thời gian này, số doanh nghiệp đăng ký mới là 5.074, giảm 70% so cùng kỳ 2011, vốn đăng ký hơn 25.000 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, mặc dù thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng Hà Nội lại đối diện với sự suy giảm phát triển kinh tế rất rõ, suy giảm trong tốc độ sản xuất công nghiệp, trong kết quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thương mại, đầu tư xã hội, hoạt động của doanh nghiệp. So với năm 2011 thì khó khăn rõ nét hơn.

Tại TP HCM, theo phó giám đốc thường trực sở Kế hoạch và đầu tư Lâm Nguyên Khôi, tình hình của các doanh nghiệp cũng chưa có dấu hiệu sáng sủa hơn.

Đáng chú ý, số liệu của sở Kế hoạch và cục Thuế lại có sự “vênh” nhau khá lớn. Chẳng hạn như, trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại sở Kế hoạch là 906 doanh nghiệp (tăng hơn 23% so với cùng kỳ) thì con số ở cục Thuế lên đến 1.396 doanh nghiệp.

Có 788 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động, tăng 4,02 lần so với cùng kỳ. Còn số liệu của cục Thuế thì có đến 9.665 doanh nghiệp, trong đó chờ khóa mã số thuế hơn 2.500 doanh nghiệp, bỏ trốn, mất tích hơn 2.000 doanh nghiệp, tạm ngưng hoạt động có thời hạn 2.485 doanh nghiệp…

Biện pháp của TP.HCM cũng là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, về lãi suất, hỗ trợ xuất khẩu, tập trung vào các doanh nghiệp thâm dụng lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Khôi cho biết.

Tính chung cả nước, bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tính đến ngày 22.5, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 4450, số vốn đăng ký là 55.000 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 30.100 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký khoảng 190.000 tỉ đồng, giảm 12,2% về lượng và giảm 3,6% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến tháng 5, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng đến gần 30% so với cùng kỳ 2011. Trong đó tồn kho xi măng, vôi, vữa tăng hơn 52%, phân bón và hợp chất ni tơ tăng gần 40%, bia và mạch nha tăng 29,1%; trang phục tăng 40,7%; xe có động cơ tăng 56,5%, ô tô xe máy tăng 42,3%, thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9,6%, giấy nhăn và bao bì tăng 43,7%, các sản phẩm từ plastic tăng 89,1%.

SGTT