Sớm sửa đổi các luật về thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhưng khi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, một số ĐBQH nêu thực tế là Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 đã đặt quy mô thu trong giai đoạn này cao gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Như vậy, để có cơ sở thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm được QH quyết định tại Kỳ họp thứ 2, thì chính sách thu sẽ phải điều chỉnh phù hợp, qua đó có thể bảo đảm tăng thu thanh khoản 300.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ đề xuất đưa duy nhất một dự án luật vào Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bổ sung năm 2017 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ tài nguyên môi trường). Thực tế này khiến một số đại biểu băn khoăn, vì hiện đã đi được 1/3 chặng đường thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm. Không sát sao sửa đổi các luật thuế, rất dễ làm ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch chung.

Chưa kể, các luật về thuế thường điều chỉnh chính sách thu, nên không dễ có thể làm theo quy trình rút gọn, xem xét thông qua trong một kỳ họp. Thực tế hoạt động lập pháp của QH đã có trường hợp này, do tính khả thi của dự án Luật Thuế nhà, đất không cao, nên QH Khóa XIII đã kiên quyết đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ. Thay vào đó, Chính phủ xây dựng Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XIII). 

Để bảo đảm việc thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, cũng như bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã có kế hoạch, ĐBQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao việc sửa đổi các luật thuế. Theo đó, sớm trình các dự án luật về thuế tài sản, dự án luật sửa đổi các sắc thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên môi trường… Bởi như đánh giá của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm, thì thuế tài sản là nguồn thu nội địa, là thuế trực thu mang tính ổn định, lâu dài. Căn cứ tính thuế là tài sản, nên mức độ nộp thuế phụ thuộc vào số lượng và giá trị tài sản. Việc khai thác nguồn thu này vì thế phải bảo đảm công bằng, không mang tính tận thu, cũng như tạo tỷ lệ hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu. Còn với các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tài nguyên, theo Ủy viên Thường trực Hoàng Quang Hàm, phải sớm nghiên cứu sửa đổi ưu đãi thuế trong những luật liên quan, nhằm khắc phục việc ưu đãi thuế chồng chéo, tràn lan, không thực sự tạo ra động lực cho kinh tế – xã hội phát triển.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định quy trình xây dựng luật, pháp lệnh chặt chẽ, với nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian trình. Dự án luật, dự thảo nghị quyết không bảo đảm chất lượng và tiến độ sẽ không được trình ra QH, UBTVQH. Vì thế, khi thời gian thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn không còn nhiều, Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiên cứu xây dựng những dự án luật về thuế như đề nghị của ĐBQH.

Thanh Hải
Nguồn: http://daibieunhandan.vn