Sốt ruột với 5.719 điều kiện kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại hội thảo sáng 30/6 về thực trạng các điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng con số nói trên đã cắt giảm được 107 điều kiện kinh doanh so với thời điểm cuối năm 2016.

“Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ”, nhóm nghiên cứu của VCCI nhận định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh rất bất cập.

3 đặc điểm nổi bật

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng từ Ban Pháp chế VCCI, qua rà soát 14 ngành nghề trong các lĩnh vực: Công Thương, Giao thông vận tải và Khoa học công nghệ với 402 điều kiện kinh doanh cho thấy có 3 đặc điểm nổi bật.

Cụ thể, nhiều điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô doanh nghiệp. Ví dụ là đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe nếu trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương; thương nhân xuất nhập khẩu khí hóa lỏng phải có tổng dung tích bồn chứa tối thiểu 3.000m3; thương nhân bán buôn rượu phải có số vốn tối thiểu 300 triệu đồng…

Thứ hai là điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Điển hình là quy định phương án kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba là điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Ví dụ như yêu cầu về chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô. Yêu cầu này không cần thiết bởi thị trường có rất nhiều phân khúc và khách hàng sẽ lựa chọn chất lượng phù hợp.

“Thực tế đã chứng minh những điều kiện trên đã giết chết nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, biến thị trường thành sân chơi của một số doanh nghiệp có tiềm lực như thị trường xuất khẩu gạo hay phân phối khí”, bà Diệu Hồng nhận định.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhiều ngành, nghề kinh doanh không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh hoặc nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.

Trong đó, một số ngành, nghề không có tác động đáng kể tới lợi ích công cộng. Đó là những ngành, nghề kinh doanh thông thường, các rủi ro được giải quyết bằng pháp luật dân sự hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, trật tự, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (như kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển…).

Một số ngành, nghề khác có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh như quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý quá trình kinh doanh hay quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra… Có thể kể đến ngành sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; dịch vụ sản xuất, phát hành phim; dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng; kinh doanh dịch vụ lữ hành…

Thậm chí, có ngành, nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại không phải là ngành, nghề kinh doanh. Ví dụ như “kinh doanh dịch vụ logistics” thuộc danh mục nhưng logistics lại bao gồm nhiều hoạt động như vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… và mỗi hoạt động đó lại là một ngành, nghề riêng; hoặc “hoạt động nhượng quyền thương mại” là phương thức kinh doanh chứ không phải là ngành nghề…

Bàn từ lúc tóc xanh tới khi đầu bạc

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quang Vinh từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu cần thiết, nhà nước nên hướng tới kiểm soát chất lượng đầu ra của các doanh nghiệp bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thay vì sử dụng các điều kiện kinh doanh.

“Như người tiêu dùng chỉ cần biết rằng chai nước mắm này bảo đảm chất lượng, họ không cần biết chai nước mắm đó được sản xuất thế nào. Sản phẩm tốt thì đương nhiên quy trình sản xuất phải tốt”, ông Vinh nêu quan điểm.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, đã có những tín hiệu tích cực hơn trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng theo cá nhân ông, cứ 10 điều kiện kinh doanh được cắt giảm thì lại có 7 điều kiện kinh doanh khác tăng thêm.

“Giảm một ít thì lại tăng một ít, thậm chí một số đẻ ra còn gây khó khăn, mệt mỏi nhiều hơn. Vì nhiều đối tượng liên quan, từ cán bộ nhà nước cho tới doanh nghiệp, không muốn bỏ điều kiện kinh doanh. Nhiều khi 1% doanh nghiệp phản đối sức nặng lại lớn hơn 99% còn lại”, ông Đức nói.

Ông cũng dẫn một số ví dụ: “Như một loạt điều kiện kinh doanh của ngành công thương quy định về quy mô, nhiều doanh nghiệp không muốn bỏ vì điều kiện này có thể giúp loại bỏ đối thủ quy mô nhỏ hơn. Hay như với ngành nghề công chứng, yên tâm là giờ không ai có thể chen chân vào vì quy hoạch chỉ có thế. Có người xì xào mở thêm phòng công chức mất thêm 5-7 tỷ đồng. Hay như mới đây nhất, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu hạn chế đi xe chung là trái luật bởi đây là mô hình kinh doanh khác, cấm là vô căn cứ”.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh,  Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng câu chuyện về cải cách điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã được bàn đi bàn lại nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Tôi đã tham gia bàn luận về vấn đề này từ lúc tóc còn xanh, tới nay đầu đã bạc, nhưng câu chuyện vẫn cứ phải bàn đi bàn lại”, ông Huỳnh nói.

Thanh Hằng
Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Sot-ruot-voi-5719-dieu-kien-kinh-doanh/310047.vgp