Sử dụng rừng phải trả phí
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với sự tài trợ của tổ chức Winrock International (Mỹ) thông qua Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học vùng châu Á (ARBCP), Lâm Đồng là tỉnh được chọn triển khai thí điểm chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng để nhân rộng mô hình này trên toàn quốc.

Môi trường rừng là sản phẩm do rừng tạo ra, gồm: nguồn nước, dự trữ sinh quyển, bảo vệ và cải tạo đất… Chi trả dịch vụ môi trường rừng là hoạt động kinh tế giữa người sản xuất cung ứng dịch vụ môi trường (người bán) cho người hưởng thụ dịch vụ môi trường rừng (người mua). Ví dụ, các đơn vị quản lý khai thác thủy lợi phải trả phí dịch vụ này cho các chủ rừng quản lý lưu vực cung cấp nguồn nước vào công trình thủy lợi mà đơn vị đang quản lý.

Người lao động trong ngành lâm nghiệp với tư cách là người sản xuất ra môi trường rừng có quyền bán cho xã hội sản phẩm lao động của mình (môi trường rừng) để có thu nhập và có đời sống như những người lao động trong các ngành kinh tế khác. Đồng thời, mọi thành viên trong xã hội (người hưởng lợi) khi thụ hưởng môi trường rừng có nghĩa vụ và trách nhiệm chi trả bù đắp cho người lao động lâm nghiệp. Đây là điều mà từ trước đến nay chưa được thực hiện ở Việt Nam và Lâm Đồng là địa phương đầu tiên thực hiện chính sách này.

Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập tổ công tác triển khai chương trình này và sẽ thu phí thí điểm ngay trong năm 2008, trên cơ sở đó mở rộng đối tượng thu trong những năm tiếp theo.

Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao khả năng quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và định hình cơ chế tài chính lâu dài cho việc quản lý, khai thác. Cùng với việc triển khai chi phí trả dịch vụ môi trường, chương trình cũng triển khai nhiều hạng mục khác như: hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân sống vùng dự án, triển khai chương trình truyền thông bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia bảo tồn sinh học quốc tế, phí dịch vụ môi trường (PES) được xem là công cụ mới để bảo tồn các khu rừng và cũng là phần thưởng cho những người nghèo vì đã góp phần tham gia quản lý môi trường.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online