Sử dụng túi nilông sẽ phải trả thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngoài ra, phí thu gom – tái chế túi nilông sẽ do đơn vị sản xuất chi trả. Tiền thuế thu được đưa vào Quỹ môi trường để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên mức thuế bao nhiêu hiện chưa xác định mà còn phải trưng cầu ý kiến rộng rãi.

“Việc thu thuế túi nilông cần được thông qua trên phạm vi toàn quốc, cộng thêm sự chuẩn bị về nhận thức cho người tiêu dùng, các thành phần kinh tế có liên quan trong xã hội. Tuy nhiên, loại thuế, mức thuế, đối tượng áp dụng thuế phải được nghiên cứu kỹ, tham khảo ý kiến cộng đồng và có lộ trình ban hành phù hợp. Với TP HCM, đến năm 2012 là thời điểm áp dụng thích hợp nhất”, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế thuộc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM khẳng định.

Ví dụ, túi xốp dùng một lần sẽ chịu mức thuế cao hơn túi nilông dày; túi bao gói thực phẩm (sản phẩm đựng sữa, trái cây, thịt cá…) không bị thu thuế sử dụng. Đầu năm 2009, dự kiến Quỹ tái chế cũng kiến nghị thành phố cấm các siêu thị, trung tâm thương mại lớn phát miễn phí túi nilông.

Phát biểu trong hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi nilông tại TP HCM” diễn ra sáng nay, ông Khoa cho biết, khi nhận thức cộng đồng thay đổi, các giải pháp thay thế cho loại túi này được triển khai, việc ban hành công cụ pháp lý là cần thiết để tăng tính hiệu quả của chương trình.

Kế hoạch giảm thiểu sử dụng loại bao bì này sẽ được triển khai bằng những chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng như: tuyên truyền rộng rãi đến người dân, vận động nhà bán lẻ, đặt điểm thu gom tại siêu thị, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ tái chế túi sử dụng một lần thành các loại túi thay thế (túi dày, túi nhựa nhiệt, túi thân thiện môi trường…)

Cùng với những biện pháp mạnh cả về kinh tế, hành chính, lẫn kêu gọi, lần này Qũy tái chế thể hiện quyết tâm “kéo” người tiêu dùng khỏi thói quen sử dụng loại túi có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho môi trường bằng cách lập hẳn một Ban điều hành chương trình giảm thiểu túi nilông ngay trong năm nay.

Mỗi ngày TP HCM phát sinh trên 30 tấn túi nilông đã sử dụng, gần 3/4 người dân giữ lại túi để tái sử dụng trong gia đình. “Về khối lượng, túi nilông phát sinh chỉ chiếm khoảng 1% lượng chất thải rắn chôn lấp nhưng gây ra rất nhiều vấn đề về môi trường”, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh thuộc Quỹ tái chế cho biết.

Ông Bùi Cách Tuyến, Phó Cục trưởng Tổng cục môi trường thì nói đến nạn “ô nhiễm trắng”. Túi khi thải ra không được thu gom gây tắc nghẽn cống, làm ứ đọng rác thải, túi lẫn trong đất cản trở sự sinh trưởng của cây cỏ.

Bên cạnh đó nếu không có sự tác động ở nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất hàng thế kỷ túi nilông mới có thể tự phân hủy. Nguy hiểm hơn theo các nhà khoa học, nếu đốt không đúng cách sẽ phát sinh ra nhiều loại khí độc, đặc biệt là đioxin.

Trước tác hại to lớn của túi nilông, kế hoạch giảm thiểu được kỳ vọng sẽ cứu vãn tình hình trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chương trình này còn phải nghiên cứu lấy ý kiến thêm vì đụng tới hàng triệu người tiêu dùng cũng như những vấn đề bất cập cần giải quyết, chưa nói đến để thay đổi thói quen cùa người dân là bài toán lớn.

Bà Lương Bạch Vân, đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM cho rằng nếu cấm phát miễn phí túi ni lông thì sẽ đụng chạm tới rất nhiều doanh nghiệp và cần tính toán kỹ. Việc tăng thuế cũng không hề đơn giản và cần có lộ trình. “Giảm thiểu sử dụng túi nilông chỉ có thể thành công nếu đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội”, bà Vân nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Tài nguyên môi trường Hàn Quốc nói về kinh nghiệm của mình, khi đưa ra những quy định nên dựa trên tinh thần tự nguyện và có sự ủng hộ của doanh nghiệp. Hàn Quốc đã thực hiện thỏa thuận giữa 43 doanh nghiệp trong nước là không phát miễn phí mà thực hiện bán cho khách hàng loại túi sử dụng nhiều lần.

Các biện pháp khuyến khích cũng được đánh giá cao hơn ở đất nước này, như đối với ly nhựa sử dụng một lần khi khách đem trả lại cửa hàng sẽ nhận lại được một khoảng tiền. Người dân có công phát hiện trường hợp vi phạm việc kiểm soát hàng hóa sử dụng một lần có thể được thưởng 10.000 đến 15.000 Won.

Theo khảo sát của Quỹ tái chế, hơn 80% người dân TP HCM nhận thấy tác hại của túi nilông. 70% người dân đồng tình với chương trình giảm sử dụng.

80% siêu thị, trung tâm thương mại có ý định tham gia chương trình hạn chế dùng túi nilông nhưng chỉ khi nào có quy định của nhà nước.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress