Sửa đổi BLHS góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương XVIII).

Bộ Tư pháp đề xuất phi tội phạm hóa đối với 2 tội danh trong chương này. Đó là các tội: kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (các điều 159 và 167 của BLHS hiện hành). Đồng thời, cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất quy định là tội phạm (tội phạm hóa) đối với 8 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế: Vi phạm quy định về sử dụng điện (điều 201); làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (điều 216); trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (điều 217); gian lận bảo hiểm xã hội (điều 218); gian lận bảo hiểm y tế (điều 219); trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (điều 220); vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (điều 222). Đặc biệt, dự thảo Bộ luật đã bổ sung một tội danh liên quan đến vấn đề cạnh tranh (điều 221) nhằm trừng trị những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm cho kinh tế thị trường phát triển ổn định.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề xuất tăng phạt tiền với tính chất là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Đồng thời, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội thuộc chương này. Đó là các tội: Buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (các điều 190, 204, 213, 214, 215 và 220).

Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường

Cũng nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (chương XIX).

Dự thảo đã cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (điều 231 và điều 232).

Đồng thời, quy định là tội phạm đối với 2 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa, liên hồ chứa, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai (điều 234); vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, các công trình về tài nguyên nước (điều 235).

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức phạt tiền (cả phạt chính và phạt bổ sung) đối với các tội phạm về môi trường; tăng nặng hình phạt đối với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (điều 237) và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (điều 241).

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 5 tội thuộc chương này. Đó là các tội: Gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; huỷ hoại rừng (các điều 231, 232, 236, 239, 240).

Tuệ Văn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ